Taberd.org Help Hướng dẩn    
 
To friends
Đề mục: Văn thơ
Chủ đề: 
Trân trọng giới thiệu tới các bạn một bài thơ rất hay của Trần Quốc Thắng
  (5 trả lời)
  PreviousNext
# 7341
  13 tháng 11, 2014 14:21  Lê Anh Dũng viết

Trân trọng giới thiệu tới các bạn một bài thơ rất hay, vô đề, của Trần Quốc Thắng đăng trên Facebook của chàng:

Gió cuốn mây ngàn trôi tất bật
Phong ba bão vũ cơn gió gấc
Nặng hạt mưa rơi trời mây xám
Tiễn người mang theo tứ trọng ân

Ngàn thu còn đó đi rồi lại
Thu cuối mùa sang đông tê tái
Thản nhiên tự cổ cho đến kim
Vạn vật xoay vần diệt sinh tái

Ba la mật đa độ nhất thiết
Quán tự tại thanh âm phát nguyện
Có đến có đi là định luật
Trăng tròn qua đi trăng phải khuyết

Nhãn, nhĩ mục căn dẫn vô minh
Dẫn lối đưa đường chốn nhân sinh
Tái mộng, khởi mê mãi không dứt
Nhất lối Phật tâm với lời kinh!

(Dũng mạn phép đánh dấu lại.)

Bình thơ:

a/ Bối cảnh: Thắng làm bài thơ này khi có tin đồn thiền giả Thích Nhất Hạnh thị tịch (nhưng lại có tin khác ngược lại)

b/ Nội dung:

Bài thơ của Thắng mang tinh thần Phật pháp rất thoát, nhẹ nhàng nhắc tới luật Phản Phục của Đạo Đức Kinh (Lão tử), lại có hương vị Phật giáo Hoà Hảo khi nhắc tới Tứ trọng ân (Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân đồng bào nhân loại, Ân tam bảo - Phật, Pháp, Tăng).

Cũng nhận thấy sự đặc sắc trong trật tự nêu ra của Tứ Ân Hoà Hảo, ngậm mà nghe, qúa hay.  Cần nhắc là có những nhà thần học liberal, đồng nhất Tam Bảo với Thiên Chúa và Hội Thánh, đúng hay sai miễn bàn, vì cách hiểu của mỗi người mỗi khác, nhưng cũng cần nêu ra, nhắc tới cách nhìn này.

c/ Hình thức:

Có những  chữ như "gió gấc" thần sầu, chưa bao giờ thấy xuất hiện trong thi ca, văn chuơng, dùng rất đắt.

Thơ Việt ít dùng vần trắc, thường là vần bằng, đặc biệt là thơ dịch từ chữ Hán (xin Lý Hữu Phước tiên sinh, người đã dịch khoảng từ 60-100 bài thơ Hán ra Việt, cho ý kiến nếu nó sai).  Thí dụ:

* Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, câu "Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản"

được hai ông Tản Đà và Ngô Tất Tố dịch là:

Hạc vàng đi mất từ xưa (TĐ),

Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn (NTT)

dịch từ trắc sang bằng làm yếu hẳn khí thơ.

(xem thêm: http://vi.wikipedia.org/wiki/Ho%C3%A0ng_H%E1%BA%A1c_L%C3%A2u_(th%C6%A1_Th%C3%B4i_Hi%E1%BB%87u) )

* Bản dịch Kinh Bát Nhã (một trong những kinh quan trọng nhất của Phật giáo đại thừa) cũng vậy. Kinh từ tiếng Phạn dịch ra tiếng Trung Quốc có hơi văn mang nhiều vần trắc rất hùng, như câu:

   Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn.

Nghe hùng mạnh, vùng vẫy, chắc gọn, đầy nhạc tính, thi tính, vũ tính (choreography), nhưng yếu hẳn đi khi chuyển qua tiếng Việt, thí dụ (đây chỉ là 1 đơn cử, tôi đọc nhiều bản dịch, nhưng nói chung đều yếu về nhạc tính)

qua tiếng Việt thành:

   Vì tâm không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, đạt tới cứu cánh niết bàn.

(trích dài:

  Tiếng Hán:

  Thị cố không trung vô sắc,vô thọ, tưởng, hành, thức.

  Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới.

  Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận.

  Vô khổ, tập, diệt, đạo, vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố,    tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn.

qua tiếng Việt thành:

  Cho nên trong Không không có sắc; không có thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân,  ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới cho đến ý thức giới; không có vô minh cũng không có cái hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có hết già chết. Không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí tuệ cũng không có chứng đắc, vì không chỗ chứng đắc.

  Bồ tát vì y Bát nhã ba la mật đa nên tâm không ngăn ngại. Vì tâm không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, đạt tới cứu cánh niết bàn.

xem thêm http://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A1t-nh%C3%A3-ba-la-m%E1%BA%ADt-%C4%91a_t%C3%A2m_kinh )

Bài thơ của Thắng có nhiều vần trắc, thoát khỏi mẫu mã và khuyết điểm nêu trên. Không những vậy, mà hơi thơ đi ra rất tự nhiên, không còn gò ép trong luật bằng trắc.

Làm được bài thơ này là tiên sinh Trần Quốc Thắng đã ung dung ra vào sinh tử rồi đó!

Cẩn bái

Lê Anh Dũng
# 7342
  13 tháng 11, 2014 16:25  Hà Duy Bính viết,  
Lỷ hủ Là ơi

Thú thật là tao đọc mà không hiểu mày viết gì, nói gì ...
Chắc là tao quen làm việc chân tay lâu ngày rồi,  nên trí tuệ không còn có bao nhiêu ...

:)

Bính
# 7343
  13 tháng 11, 2014 16:57  Dũng viết,  
Bính huynh,

Tao tới nhà mày thấy nào là đàn, là kèn saxo, mấy công nương của mày có thể chơi đàn + kèn mà không học nhạc lý không? (được nhưng rất hiếm).

Hồi tao ở Tây, làm việc vôlôngtia ở 1 thư viện, sở của tao cũng nằm ngay bên cạnh 1 thư viện municipal, nên rảnh là tao qua đọc sách về Phật Giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Trang Chu v.v... Tụi Tây nó mở mắt tao ra về những chuyện tao biết lơ mơ khi ở VN. Mày biết là Tây Phương khi nghiên cứu, do có truyền thống học thuật + esprit critique nên nó trình bày khúc chiết, lớp lang đọc tới đâu mở tới đó.  Đông học Tây, mà bây giờ Tây cũng học Đông, và dạy lại Đông về Đông Phương học nữa. 

Cũng có những cái, nhất là liên quan tới tâm linh, đạo học thì cách tiếp cận Tây Phuơng không phải là tối ưu, khi mà Đông Phương nói về "truyền tâm ấn", "thực chứng" ..., dầu vậy khi mình "sờ" được cả 2 cách tiếp cận Tây và Đông thì đã điếu lắm.

Nói lòng vòng, nay trở lại vấn đề mày nêu ra:
- Mỗi môn chơi có luật, ngôn ngữ của nó.  Phải chịu khó đầu tư 1 chút, đẩy cái cửa (gõ, cửa sẽ mở) thì mới vào được.  Bổn phận của người thích là giới thiệu, gợi hứng.  Còn lại là lực chọn của người được giới thiệu.
- Tao rất "enjoy" nghe mày nói chuyện, vì lòng tao đã mở, và có 1 số mầm, nên chỉ nghe mày nói thoáng là tao cảm nhận ít nhiều.  Mày cũng vậy, nếu có dư giờ, đọc lướt qua những nguồn tư tưởng Đông Phương, mỗi thứ 1 chút, mình sẽ thấy bức tranh hiện thực truớc mắt mình hiện ra dưới nhiều chiều kích, màu sắc phong phú hơn, đẹp hơn, mầu nhiệm hơn.

Tao không rõ mày có "kê tủ đứng" tao không (tao nghĩ là không), nhưng trên là suy nghĩ thành thật và khiêm tốn của tao, tao thích bày tỏ, diễn đạt dù Lão tử mở  mồm rằng "đại khối vô ngôn".
# 7344
  13 tháng 11, 2014 22:54  Dũng Còm-ment viết,  
PS cho Bính:

Xin phép mày tán dương sư huynh Thắng của tao thêm một chút, trong 4 câu của "ảnh":

Ngàn thu còn đó đi rồi lại
Thu cuối mùa sang đông tê tái
Thản nhiên tự cổ cho đến kim
Vạn vật xoay vần diệt sinh tái

Có chữ "Thản nhiên" là keyword, rất nặng ký, mang tư tưởng Lão Tử trong Đạo Đức Kinh. ĐĐK là một tác phẩm rất ngắn, khỏang 5 ngàn chữ, từ Đông sang Tây có nhiều tác giả bàn, luận, giảng về cuốn này rồi. Ở VN có Thu Giang Nguyễn Duy Cần viết về cuốn này rất sáng sủa (Lão Tử Tinh Hoa), xúc tích, nên tìm đọc nếu thiếu thời giờ.

Chương 5 của Đạo Đức Kinh có 2 câu rất ấn tượng:

Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu (Trời đất bất nhân, coi vạn vật đều như loài chó rơm)
Thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu

Sô cẩu = chó rơm là đồ giả để cúng tế, xài xong thì vô giá trị, vất đi. Viết vậy để diễn tả trời đất coi vạn vật như nhau, thản nhiên, không hề có sự thiên tư, thiên vị. Vạn vật trong trời đất này đều được chi phối bằng những định luật vĩnh cửu, chính vì vậy mới trường tồn. Mùa xuân vạn vật sinh sôi, hoa cỏ đua tươi, khí hậu đầm ấm, lúc ấy không phải là trời đất có lòng thương hơn; mùa đông khi sương sa tuyết phủ, lá rụng hoa rơi, mưa phùn gió bấc, lúc ấy không phải là trời đất mang dạ oán hờn; mà chính là vì chu kỳ biến dịch đã tạo nên những hình thái như vậy.

Trời đất cưu mang, sinh trưởng, che chở vạn vật như vậy, không phải bằng lòng nhân tầm thường của nhân thế, mà bằng một lòng nhân siêu việt.

Cách nhận thức về "Thiên địa" này rất khác với Thượng Đế của những tôn giáo có nguồn Môise.  Người ta nhận xét là từ Tây sang Đông thì Thượng Đế - Thiên Địa dưới nhận thức của con người ở biểu hiện ở 2 thái cực khác nhau.

Nên nhớ là Lão tử sống cách đây khoảng 25 thế kỷ, và cách diễn đạt của ông đạt 1 tầm khái quát, trừu tượng rất cao, vượt khỏi cái nhìn thần linh mà con người thời đó thường vốn có.

Anh Thắng nhà ta có lẽ thấm nhuần điều này, điều nọ rất nhuyễn, nên anh nhả ngọc, phun châu rất nhẹ nhàng tự nhiên. Trong 1 bài thơ mà anh cho Phật, Lão đề huề rất an nhiên, tự tại.

# 7345
  14 tháng 11, 2014 00:13  Hà Duy Bính viết,  
Lỉ hủ Là sư huynh 
Tao không có ý kê tủ mày 
Chỉ tội là mày nói cao siêu quá
Tao không hiểu nên chọc mày cho vui thôi

:)

B
# 7348
  14 tháng 11, 2014 21:33  Dũng viết,  
Bính hiền đệ :)

Tao gửi mày cái link dẫn tới pdf file của cuốn Lão Tử Tinh Hoa của Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Tao đề nghị mày đọc qua cho biết.

http://www.banthedao.net/giaolydaolao/laotutinhhoa.pdf

Note: 97 trang pdf, nên in ra 2 mặt dễ đọc hơn là đọc từ computer. Loại này mà đọc từ máy thì chỉ đọc xẹt xẹt, không giữ lại được cái gì.

Khổng, Phật, Lão là 3 nguồn tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng lên khối văn minh Trung Hoa, mà Việt Nam là cái cành của nó. Nên muốn hiểu căn cước, căn tính, ưu, khuyết điểm của mình cần phải biết qua các nguồn này, dù sơ sơ, cỡi ngựa xem hoa cũng được, nhưng cần phải biết. Còn có lợi là khi đọc thơ văn Trung Hoa hay Việt Nam, do nắm được DNA văn hoá nên mình hiểu dễ hơn những message tiềm tàng, trong vô thức tập thể nhưng in dấu  lên tác giả.

Có lần tao nói chuyện với bác sĩ Lê Bá Quát (đã mất) là tao thấy chúng rất hay, nhưng nói chung không chủ trương có cái tuyệt đối, nên hệ quả của nó là các dân tộc chịu ảnh hưởng của nó không có thói quen cực đoan, làm cái gì cho tới nơi tới chốn, tìm ra thuốc súng để làm pháo đốt chơi thay vì chế đại bác đi chinh phục thiên hạ. Tìm ra nam châm mà cả mấy ngàn năm ôm đất, sợ biển...