# 2816
07 tháng 02, 2011 10:37 Vũ Văn Chính viết
Chủ đề đã đóng
Sài Gòn & Những Cái Tết Xưa ( 5 )
Giống như cái thằng PC thôi,chiều 30 tết tôi làm vệ sinh chiếc xe,cho dù nó cũng chẳng mới lên là bao,nhưng theo tục lệ ông bà thì chiều 30 cứ rửa nhà,rửa xe để trút bỏ những cái xui của năm cũ mà vui vẻ đón năm mới.Tôi cũng chỉ rửa sơ sơ thôi vì sợ nó lại õng ẹo trở chứng,cẩn thận vậy mà cũng còn bị tổ trác.Rửa xe xong ,khoan khoái lết bộ ra cái quán cà phê cóc làm vài ván cờ tướng với mấy anh bạn già hàng xóm.Tới chừng trời sâm sẩm tối tôi mới về nhà,vào nhà nhìn cái xe sao mà nó bỗng sáng tưng hơn hồi nãy,chột dạ tôi đi hỏi con cháu bên vợ xem nó có lau chùi gì thêm không mà cái xe nó sạch sẽ thế.Nó hớn hở và mau mắn trả lời tôi để lập công :
- Cháu thấy xe còn dơ quá nên rửa lại cho nó sạch sẽ để cậu đi chơi Tết cho vui.
Thôi rồi Lượm ơi ! sáng mai thế nào nó cũng nhõng nhẽo sáng mồng 1 cho coi,y như rằng.Con cháu gái siêng năng đột xuất nó vô tình hại tôi rồi.Sáng mồng 1 thì có thằng ma sửa xe nào mở cửa cơ chớ,quen xoay sở với những tình huống éo le rồi,nên tôi mở cái vít lửa ra ,lấy giấy nhám ra chà hai cái đầu đánh lửa,vì không có hàng để thay nên ngày đó các tay thợ trong chợ lớn chỉ đắp thêm hai đầu đánh lửa xài đỡ,được vài tháng nó mòn và không bắt điện nữa, đôi khi vì nước vô làm ướt nên đạp hoài mà xe không nổ.Chỉ cần lôi nó ra lau khô và chà giấy nhám là ngon lành.Năm đó mãi tới gần trưa tôi mới xuất hành ra khỏi nhà để đi chúc tết ông bà.
Có những khi tôi ra công trình để làm việc,xe cộ tất cả đều để ngoài trời.Hễ bữa nào mưa lớn một chút thì thế nào lát nữa, cũng có vài thằng dắt xe đi bộ như tôi cho mà coi.
Năm hết Tết đến là nhà nhà tất bật buổi chợ chiều,nhất là cái buổi trưa ngày 30 tháng chạp,khi các chợ đã bắt đầu đóng cửa để còn kịp về cúng kiếng đón ông bà về chơi Tết.Những năm khó khăn mà mỗi khi cúng rằm tháng 7 hay cúng lễ đón ông bà ăn Tết,nhiều khi cũng gặp cảnh dở khóc dở cười.Cái mâm đựng đồ cúng cùng với con gà luộc và đĩa xôi đang bắt đầu khói nhang nghi ngút,bà chủ nhà đang lúi cúi lạy khắp 4 phương ,chưa kịp cắm cây nhang vào bát hương thì thấy bọn cô hồn sống nó vồ mất con gà hồi nào không biết.Đầu năm đầu tháng không lẽ đứng chửi thề,nên cứ những lần sau cúng thì vừa lạy vừa liếc chừng con gà,sợ nó lại bay mất thì ông bà quở cả năm luôn.
Mùa xuân là mùa của thi ca và văn nghệ,mỗi năm Tết đến tai lại nghe vang lên những bản nhạc xuân quen thuộc. Ngày xưa còn bé mỗi khi Tết về là đã nghe cái bài “ Xuân này con không về “ rồi ,nghe vậy thôi chứ có để ý bài đó nói về cái gì đâu .Như bài” Li Rượu Mừng” không thể thiếu được,mấy năm đầu 30-4 còn nghe chui,chứ mấy năm sau thì mở nho nhỏ trong nhà cũng không sao,kể cả những bài nhạc nói về tết lính xa nhà.Vào những năm 78,79 có một bài nhạc cách mạng nghe rất hay và buồn buồn,thỉnh thoảng được phát lại trên Radio vào những dịp tết,nhưng thường thì ít được phổ biến rộng rãi.
Đó là bài Tình Ca Mùa Xuân của Tôn Thất Lập . Bài hát như sau :
“ Nửa đêm nghe xuân về,nghe đời lên rất trẻ,gọi tên em thầm nhớ,lời ru em dạt dào.Mùa xuân đến thật lâu,mới hay tình ban đầu,như mùa hoa vừa nở,cánh én tung trời cao.
Xuân xanh tình kết nụ,xuân hồng giấc em ngủ,đời vui khoác áo mới,phố phường hát tình ca,Xuân đến khắp mọi nhà,hát mừng bao tin lạ,mùa xuân mùa yêu thương,tình xuân tình quê hương.
Vì yêu con sông dài,yêu rừng xanh núi đỏ,và yêu bao đồng lúa,chợt yêu anh lính trẻ.Nửa đêm đón chờ xuân,nhớ anh còn ven rừng,ôm đàn ôm cây súng,đứng gác bao niềm vui.
Anh đi về cuối trời,giữ mùa xuân còn mãi,từng ngọn cây biên giới,đến ngàn sóng ngoài khơi.Em đứng hát bên trời,hát tặng anh xuân này,bài ca của quê hương,bài ca của yêu thương.”
Một bài ca rất hay,nhưng rất tiếc là nó không phù hợp với thời gian lúc đó ( chiến tranh biên giới Tây Nam) ,với ca từ vẫn còn mang tính lãng mạn của người nhạc sĩ đã từng sống và viết nhạc trước năm 75,nên nó cũng không được phổ biến rộng rãi như các bài xuân cách mạng khác : Xuân Chiến Khu,Mùa Xuân trên bến cảng..và nó cũng dần chìm trong quên lãng..
Còn có một bài hát về xuân mà tiết tấu rất sôi động,giống như nhạc trẻ khi xưa vậy,đó là bản “Mùa Xuân Từ Những Giếng dầu”.Ca từ cũng không được hay lắm,nhưng nhờ giai điệu mới mẻ và sôi động nên nghe cũng vui,nhất là cái câu mở đầu mà hồi đó bọn trẻ hay nhại rằng :
“ Uuuuuu cái Lu,À ha ! cái ca. À aaaaa cái ca, Ù uuuu cái Lu ..”
Giống như mỗi lần muốn sinh sự với đám bạn là cứ rống lên : “ Voulez – Vous À Ha !” vậy.
Cũng như vào một buổi sáng của mùa xuân năm 92 ,trời chưa sáng hẳn mà cái nhà bên cạnh nó mở nhạc,mở ngay cái bản “Em còn nhớ mùa xuân” của Ngô Thụy Miên, một bản nhạc được sáng tác sau 30-4 tại Sài Gòn ,mà mãi đến bây giờ tôi mới được nghe ,vừa mơ mơ màng màng vừa nghe cái bản nhạc nó hay gì đâu,nghe lại buồn buồn mới chết chứ:
Những thành phố em sẽ đi qua
Đây Ba Lê,đây Luân Đôn,đây Vienne
Nhưng có đâu bằng Sài Gòn hôm qua
Nhưng có đâu bằng Sài Gòn mai sau
Em có mơ ngày hát câu hồi hương.
Hay như có những cái Tết buồn và xa nhà,ngồi nghe tiếng Lead Guitar réo rắt theo giọng ca của Khánh ly hát bài “ Mùa Xuân Của Mẹ”,ôi sao nó não nùng quá :
Đêm nay núi rừng gió nhẹ sang Xuân
Thoáng mùi mai nở đâu đây
Nghe lòng lạc loài chơi vơi
Mẹ ơi con hứa con sẽ trở về
Dù cho,dù cho Xuân đã đi qua
Dù cho én từng bầy bay về ngàn
Dẫu gì rồi con cũng về
Chỉ bên Mẹ là mùa Xuân thôi.
Cái Tết năm 75 có một số bài Xuân mới ra rất hay như Trên Đồi Xuân,Mùa Xuân Du Ca của Phạm Duy,Mùa Xuân Lá Khô, Điệp khúc Mùa Xuân của Quốc Dũng.Năm ấy chiến tranh nổ ra khắp nơi và tới tháng 4/75 thì Sài Gòn bị đứt phim nên ít ai còn nhớ, ở VN có bản phải mười mấy năm sau mới được nghe lại như Mùa Xuân Lá Khô,Điệp khúc mùa Xuân.Có khi cả mấy chục năm sau mới được nghe lại như bài Trên Đồi Xuân,hay không còn được nghe nữa như cái bài Mùa Xuân Du Ca.
Từ lúc cái bản Happy New Year của ban ABBA cất lên lúc gần tới cái giờ giao thừa,suốt những năm dài và cho đến tận bây giờ.Tôi vẫn thích, nhưng tôi lại thích hơn cái câu hát :
“ Ôi ! nhớ Xuân nào thuở trời yên vui ,nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi…”.
Bài hát mà năm xửa năm xưa khi còn bé tôi vẫn nghe,và nhớ lắm.
( Trích Chương : Sài Gòn & Tết )
Vũ Văn Chính,Sài Gòn Tết Tân Mão 2011.