Những năm Tỵ trong lịch sử Giáo hội tại Việt Nam Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh - chịu chết vì đạo ngày 6-04-1857 (Đinh Tỵ) WHĐ (04.02.2013) – Trước thềm Năm mới Quý Tỵ, WHĐ điểm lại một số sự kiện của lịch sử Giáo hội tại Việt Nam diễn ra trong các năm Tỵ, từ những ngày đầu tiên Tin Mừng được loan báo trên quê hương Việt Nam. Đặc biệt năm mới Quý Tỵ 2013 đánh dấu 480 năm sự kiện giáo sĩ Inêkhu đến Việt Nam truyền giáo: Quý Tỵ 1533 – Quý Tỵ 2013. *** Thế kỷ XVI 1533 – Quý Tỵ Tin Mừng bắt đầu được rao giảng tại Việt Nam: Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục: năm 1533, giáo sĩ Inêkhu đến Việt Nam, truyền giáo tại các làng thuộc tỉnh Nam Định: Ninh Cường, Quần Anh và Trà Lũ. Thế kỷ XVII 1617 – Đinh Tỵ Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên ra sắc chỉ cấm đạo. 1629 – Kỷ Tỵ – Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) thành lập Nhà Đức Chúa Trời (Hội Kẻ giảng). – Chúa Trịnh Tráng ra sắc chỉ cấm đạo. 1665 – Ất Tỵ Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần ra sắc chỉ cấm đạo. Thế kỷ XVIII 1701 – Tân Tỵ Dòng Anh Em Thánh Augustinô (Augustiniani Scalzi) vào Việt Nam, bắt đầu truyền giáo tại miền Bắc trong 64 năm (năm 1765 ngưng hoạt động). 1725 – Ất Tỵ Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ra sắc chỉ cấm đạo. 1737 – Đinh Tỵ Đức cha Valerian Rist, dòng Phan Sinh, phó Giám quản tông tòa giáo phận Đàng Trong, hiệu tòa Myndus, tấn phong ngày 28-04-1737, qua đời ngày 15-09-1737. 1761 – Tân Tỵ Thánh Vincentê Nguyễn Thế Ðiểm, linh mục, chào đời tại An Do, Quảng Trị. 1773 – Quý Tỵ – Thánh Phêrô Lê Tùy, linh mục, chào đời tại Bằng Sở, Hà Ðông. – Chúa Trịnh Sâm ra sắc chỉ cấm đạo. – Thánh Henricô Gia (Henricus Castaneda), linh mục dòng Đa Minh, tử đạo ngày 7-11 tại Đồng Mơ. – Thánh Vinh Sơn Lê Quang Liêm, linh mục dòng Đa Minh, tử đạo ngày 7-11 tại Đồng Mơ. 1785 – Ất Tỵ Hoàng đế Thái Ðức (Nguyễn Nhạc, nhà Tây Sơn) ra sắc chỉ cấm đạo. 1797 – Đinh Tỵ Thánh Phanxicô Ðỗ Văn Chiểu, thày giảng, chào đời tại Trung Lễ, Liên Thủy, Nam Ðịnh. Thế kỷ XIX 1809 – Kỷ Tỵ Thánh Gioan Tân (Jean Charles Cornay), linh mục Hội Thừa sai Paris, chào đời tại Loudun, Poitiers, Pháp. 1821 – Tân Tỵ – Thánh Melchor Xuyên (Garcia Sampedro), giám mục, dòng Đa Minh, chào đời tại Cortes Asturias, Tây Ban Nha. – Thánh Giuse Tuân, linh mục, dòng Đa Minh, chào đời tại Trần Xá, Hưng Yên. 1833 – Quý Tỵ – Vua Minh Mạng ra sắc chỉ cấm đạo. – Dòng Phanxicô ngưng hoạt động tại Việt Nam, sau khi tu sĩ cuối cùng là linh mục Odoric de Collodi (cố Phương), cha sở Cái Nhum (Chợ Lách, Bến Tre), bị bắt (1833), bị đày lên Lao Bảo và chết rũ tù ngày 23-05-1834. – Thánh Phanxicô Kính (Francois Isidore Gagelin), linh mục, Hội Thừa sai Paris, tử đạo ngày 17-10, tại Bãi Dâu, Huế. 1857 – Đinh Tỵ – Vua Tự Đức ban hành sắc lệnh cấm đạo. – Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, linh mục, bị xử trảm ngày 6-04, tại Bảy Mẫu, Nam Định. – Thánh Micae Hồ Ðình Hy, giáo dân, quan Thái bộc, bị xử trảm ngày 22-05, tại An Hòa, Huế. – Thánh Phêrô Ðoàn Văn Vân, thầy giảng, bị xử trảm ngày 25-05, tại Sơn Tây. – Thánh Giuse An (Maria Diaz Sanjurjo), giám mục, dòng Ða Minh, thừa sai người Tây Ban Nha, bị xử trảm ngày 20-07 tại Nam Ðịnh. Thế kỷ XX 1953 – Quý Tỵ – Ngày 19-03: lễ tấn phong giám mục Đức cha Giuse Trương Cao Đại, Giám quản tông tòa giáo phận Hải Phòng. – Thư chung của HĐGM Đông Dương về “Phân biệt phạm vi Công giáo và phạm vi chính trị”. 1965 – Ất Tỵ – Ngày 22-03: Đức giáo hoàng Phaolô VI bổ nhiệm Đức cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang làm giám mục giáo phận Cần Thơ (tấn phong ngày 5-05). – Ngày 14-10, Đức giáo hoàng Phaolô VI thiết lập hai giáo phận mới tại Việt Nam: Xuân Lộc và Phú Cường, đồng thời bổ nhiệm hai giám mục tiên khởi: Đức cha Giuse Lê Văn Ấn (Xuân Lộc, tấn phong giám mục ngày 9-01-1966), Đức cha Giuse Phạm Văn Thiên (Phú Cường, tấn phong giám mục ngày 6-01-1966). – Ngày 7-12: Lễ bế mạc Công đồng Vatican II Các Nghị phụ Việt Nam gồm: Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (Sài Gòn), Đức TGM Phêrô Ngô Đình Thục (Huế), ĐGM Philipphê Nguyễn Kim Điền (Cần Thơ), ĐGM Micae Nguyễn Khắc Ngữ (Long Xuyên), ĐGM Giuse Trần Văn Thiện (Mỹ Tho), ĐGM Đa Minh Hoàng Văn Đoàn (Quy Nhơn), ĐGM Phêrô Phạm Ngọc Chi (Đà Nẵng), ĐGM Paul Seitz (Kon Tum), ĐGM Marcel Piquet (Nha Trang). 1977 – Đinh Tỵ – Ngày 24-04: lễ tấn phong Đức cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến, giám mục phó giáo phận Phát Diệm. – Ngày 2-05: Các giám mục Giáo tỉnh Sài Gòn họp tại Trung tâm Công giáo. – Ngày 10-09: ĐHY Giuse Maria Trịnh Như Khuê và Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình sang Roma tham dự Thượng Hội đồng Giám mục về Dạy Giáo lý trong thời đại ngày nay. 1989 – Kỷ Tỵ – Ngày 24-02: Ðức cha Giuse Trần Văn Thiện, giám mục Mỹ Tho, từ trần. – Ngày 14-03: Ðức cha Giuse Ðinh Bỉnh, Giám mục Thái Bình, từ trần. – Ngày 27-03: Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, TGM phó Sài Gòn, sang Rôma (sau khi được trả tự do năm 1988). – Từ ngày 1 đến 17-07: ĐHY Roger Etchegaray, đại diện Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II thăm Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, kể từ năm 1975, một viên chức cao cấp của Toà Thánh đến thăm Giáo hội tại Việt Nam. – Từ ngày 6 đến 14-12: Hội đồng Giám mục Việt Nam họp tại Hà Nội; Hội đồng bầu Ban Thường vụ mới. Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật (Xuân Lộc) được bầu làm Chủ tịch HĐGM. Thế kỷ XXI 2001 – Tân Tỵ – Ngày 21-02: Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II nâng Đức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, lên hàng Hồng y. – Từ ngày 10 đến 12-6: Tại Hà Nội, ban Thường vụ HĐGMVN họp và làm việc với Phái đoàn Toà Thánh sang công tác tại Việt Nam. – Ngày 4-07: Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ba tân giám mục: Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm (GM Bùi Chu), Đức cha Giuse Vũ Duy Thống (GM phụ tá TGP Sài Gòn), Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan (GM phó Phan Thiết). – Từ ngày 16 đến 22-09: Đại hội lần VIII của HĐGMVN tại Hà Nội. Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa được bầu làm Chủ tịch HĐGMVN. – Từ ngày 30-09 đến 27-10: Hai giám mục Việt Nam tham dự Thượng HĐGM Thế giới tại Roma về Sứ vụ Giám mục: Đức TGM GB Phạm Minh Mẫn (Sài Gòn) và ĐGM Phêrô Nguyễn Soạn (Qui Nhơn). – 29-12: Hội nghị bất thường của HĐGMVN, gồm Ban Thường vụ và các Chủ tịch Uỷ ban Giám mục.