PHẢN ỨNG CỦA BẠN !
Con người sinh ra và sống trên cõi đời không ai là không khổ. Ai cũng đều có cái “Khổ” riêng cả. Nhưng phần lớn cái Khổ đó do chính mình tự tạo ra từ cái Tâm của mình . Cái Tâm đó thường nổi giận, tham lam, mơ mộng, tưởng tượng những thứ không có thật mà cứ tưởng là có Thật. Cái Tâm đó cũng là nguyên nhân tạo ra những hậu quả.
Thật ra có vô số sự kiện mà từ đó phát sinh nghiệp quả càng ngày càng lớn dần lên như sự giận dữ, lừa dối, xúi giục, chế diểu, ganh ghét, ích kỷ, sang đoạt, gạt gẩm, giả mạo, bày mưu tính kế vân vân ... Những sự kiện đó thường xảy ra từ muôn nơi và muôn thuở. Tuy nhiên những người phạm vào các vấn đề trên hiếm người cảm nhận được rằng mình làm điều sai quấy để rồi ân hận và hối lỗi. Trái lại rất nhiều người biết việc mình làm sai nhưng vẫn cho là không ác hại gì và cứ thế mà tiếp tục.
Hậu quả là ác nghiệp tạo thành ngày càng chồng chất khiến tội lỗi ngày càng nặng nề thêm và dĩ nhiên họ phải nhận lãnh quả báo.
Vậy cái Tâm đó là gì? Đó chính là những suy nghĩ và phản ứng của con người trước những sự kiện xảy ra hàng ngày. Những phản ứng nầy trong đạo Phật gọi là Nghiệp mà chúng ta đã tạo ra và nó sẽ thành quả báo. Quả báo chẳng phải đợi đến đời sau mà ứng ngay vào hiện tại tức thời. Hậu quả nhỏ hay lớn tuỳ theo phản ứng nhẹ (chưởi mắng) hay nặng (bắn giết). Các nhà tâm lý học Tây Phương thường phân tách các phản ứng đó và đưa ra những phương cách như khuyên nhủ chúng ta nên bình tĩnh , nhẫn nhịn và nhu hòa để tránh những hậu quả mà chúng ta sẽ phải gánh chịu như bài học tâm lý dưới đây.
Bí quyết 90/10
* 10% cuộc đời là những gì xảy ra với bạn.
* 90% cuộc đời là do những phản ứng của bạn đối với những chuyện xảy ra đó.
Thế nghĩa là sao? Giờ hãy thử xét một ví dụ :
Bạn đang dùng điểm tâm cùng với gia đình. Con gái bạn vô tình làm đổ cà phê lên áo bạn. Chuyện đó xảy ra bất chợt, bạn không kiểm soát được. Điều xảy ra tiếp sau đó là phản ứng thuộc quyền quyết định của bạn. Bạn mắng cháu. Cháu phát khóc. Bạn trách cả vợ mình đã đặt tách cà phê quá gần rìa bàn. Hai người bắt đầu cãi nhau một hồi. Bạn đùng đùng bước lên lầu thay áo. Khi bạn trở xuống con bạn vẫn còn khóc, chưa ăn xong để đi học. Cháu bị lỡ chuyến xe đưa rước. Vợ bạn phải hối hả đi làm. Bạn đi nhanh ra, đưa con gái đến trường. Sợ trễ, bạn chạy xe vượt tốc độ cho phép. Sau khi cảnh sát biên phạt, bạn đưa con tới trường trễ hết 15 phút. Con bạn chạy nhanh vào lớp không kịp chào bạn. Bạn đến văn phòng trễ 20 phút, lại sực nhớ mình bỏ quên chiếc cặp ở nhà. Ngày của bạn đã bắt đầu một cách thật khủng khiếp. Chuyện càng lúc càng tệ hại tiếp tục xảy ra. Buổi chiều bạn buồn chán trở về nhà để thấy vợ con không vui vẻ đón mừng mình như ngày hôm trước.
Tại sao bạn có một ngày buồn chán như thế?
A. Tại tách cà phê ?
B. Tại con gái bạn ?
C. Tại người cảnh sát ?
D. Tại bạn gây ra?
Câu trả lời đúng là D. Bạn đã không làm chủ cái 90% thuộc quyền phản ứng của mình. Cách phản ứng chỉ trong năm giây của bạn đã tạo nên một ngày bất hạnh.
Bạn cũng đã có thể phản ứng một cách khác . Khi tách cà phê đổ, cháu bé muốn khóc, bạn đã có thể nói: “Không sao đâu con, lần sau con nên cẩn thận hơn một chút”. Bạn nhẹ nhàng lên lầu thay áo và mang theo chiếc cặp. Bạn xuống nhà vừa kịp vẫy tay chào lại cháu bé lên xe đưa rước. Vợ chồng bạn hôn nhau rồi cùng đi làm. Bạn đến văn phòng sớm năm phút và vui vẻ chào các đồng nghiệp buổi sáng. Có lẽ sếp cũng khen bạn về một ngày làm việc có hiệu quả.
Hãy nhớ rằng phản ứng của bạn rất quan trọng. Chuyện bất ngờ xảy ra chỉ chiếm 10%, quyết định phản ứng của bạn chiếm tới những 90%. Hãy nhớ và áp dụng bí quyết 90/10 cho mọi việc xảy ra trong ngày, bạn sẽ thấy cuộc đời bạn tốt hơn thật nhiều và có thể tránh được những hậu quả khủng khiếp mà bạn có thể gánh chịu .
Chúc bạn thành công!
TL