Taberd.org Help Hướng dẩn    
 
To friends
Đề mục: Chuyện tứ xứ
Chủ đề: 
Mổi câu chuyện là một bài học ( 1 )
  PreviousNext
# 4320
  03 tháng 05, 2012 23:01  Nguyễn Quốc Bảo viết

Mổi câu chuyện là một bài học


Không có kẻ thù nào to lớn và nguy hiểm bằng chính bản thân.


Tà ý xấu xa vốn là kẻ thù tiềm ẩn lớn nhất của đời người mà tự ta khó vượt qua nổi. Thật là nghịch lý khi bao khó khăn, thử thách, gian nan do khách quan mà nhờ tinh thần, ý chí quyết tâm ta đều vượt qua. Nhưng, khi trong tâm có bệnh thì lại chịu thua, như dao sắc không gọt được chuôi vậy.

Đúng như nhận định trong thế giới có bốn điều tự hủy hoại là:
Cây nhiều hoa,quả nặng quá sẽ gãy cành; rắn độc mang nọc độc nhưng lại bị giết để lấy nọc; kẻ làm việc nước không hiền tài, thì sẽ hại dân hại nước, kẻ làm điều bất thiện sẽ bị quả báo, cho nên sách Kinh dạy rằng: "Sự độc ác do tâm sinh ra, sẽ quay lại tự hại bản thân mình, cũng như sắt tạo ra chất gỉ rồi chất han gỉ ấy sẽ tiêu hủy dần thân hình của sắt".

Suy nghĩ xa hơn và kỹ hơn về giáo lý ấy thì càng rõ, nếu ta không vượt qua được chính bản năng của mình thì lương tâm và trí tuệ của ta cũng sẽ bị xói mòn mục ruỗng, chẳng mấy chốc mà thành phế nhân.

Ngạn ngữ vẫn cho rằng: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn", nội dung bên trong hoặc phần tinh thần không nhìn thấy được ấy mới quyết định bản chất của một chính nhân thực thụ, bởi đơn giản là: "Con người biểu lộ tính ưu việt của mình ở bên trong, chỉ có con vật mới lộ ra bên ngoài thôi".


Bài học về sự tự giác

Xưa thật là xưa, có một ông Vua nọ, một hôm ông ta sai quân lính đặt một tảng đá lớn nằm chắn ngang đường đi. Xong, ông nấp vào một bụi cây gần đấy và theo dõi.

Lần lượt ông ta thấy, những thương nhân giàu có đi qua, rồi đến những cận thần của ông đi qua, nhưng không ai có ý định xê dịch tảng đá sang bên nhường chỗ cho lối đi cả, họ chỉ lẩm nhẩm đổ lỗi cho nhà Vua vì đã không cho người giữ sạch sẽ con đường.
Một lúc sau, nhà Vua nhìn thấy một người nông dân đi tới với một xe rau cồng kềnh nặng trĩu. Nhìn thấy tảng đá, người nông dân liền ngừng xe và nhảy xuống đất, cố hết sức mình ông ta đã đẩy được tảng đá sang bên kia vệ đường. Vừa làm ông ta vừa lẩm bẩm: "Thật không may nếu có ai đó không thấy mày và vấp phải, chắc là sẽ đau lắm đây". Xong đâu đấy, người nông dân quay trở lại xe để tiếp tục đi tiếp, thì bỗng nhìn thấy một bao tiền to đùng đặt ngay chỗ mà ông đã di chuyển tảng đá. Đó là một một món quà của Đức Vua cho người nào dịch chuyển được tảng đá.

Câu chuyện của người nông dân này đã giúp chúng ta nhận ra một điều quý giá mà rất nhiều người trong chúng ta không bao giờ nhận thấy: Vật cản đôi khi cũng có thể là một cơ hội tốt.


Hồ nước


Một ông chủ người Hindu lớn tuổi mệt mỏi vì người thợ học việc cứ tối ngày phàn nàn. Một buổi sáng nọ ông bảo anh ta đi mua một ít muối. Khi người thợ học việc quay về, người chủ bảo anh chàng kém vui vẻ này bỏ một nhúm muối vào cốc nước rồi uống.

- Anh thấy thế nào? - Người chủ hỏi.

- Mặn lắm ạ - anh thợ thốt lên.

Người chủ tặc lưỡi rồi sau đó bảo anh bỏ một nắm muối tương tự vào trong hồ. Cả hai lặng lẽ đi đến hồ nước gần đó. Khi người thợ học việc khuấy nắm muối vào nước hồ, ông chủ bảo anh:

- Giờ anh uống thử nước trong hồ xem sao.

Anh thợ làm theo lời ông.

- Thế nào? – Ông hỏi sau khi chàng trai đã uống xong một ngụm nước hồ.

- Mát lắm ạ - chàng trai nhận xét.

- Thế anh có nếm thấy muối không?

- Không ạ!

Lúc này, người chủ ngồi bên cạnh chàng trai, nắm tay anh nói:

- Những phiền muộn trong cuộc sống là muối nguyên chất, không hơn không kém. Số lượng những nỗi muộn phiền trong cuộc sống chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên, số lượng những đắng cay chúng ta nếm tùy thuộc vào nơi mà chúng ta đặt nỗi phiền muộn ấy vào. Thế nên khi nào anh đau khổ, điều duy nhất anh có thể làm là mở rộng nhận thức của anh về sự việc… Đừng làm cái cốc mà hãy trở thành cái hồ.