Taberd.org Help Hướng dẩn    
 
To friends
Đề mục: Chuyện tứ xứ
Chủ đề: 
Thương về quê ngoại của những ngày cuối năm
  PreviousNext
# 3928
  03 tháng 01, 2012 14:17  Trần Quốc Thắng viết

Thưở đó ngoại tôi hay bắt tôi về Huế để ăn Tết, những ngày trước Tết ở Huế luôn luôn mang một màu sắc và tình tự riêng của người Huế, tôi vẫn nhớ nhất là mùi nhang lúc nào cũng phảng phất ở đâu đây cộng thêm với cái lạnh buốt da của những ngày cận Tết. Buổi sáng với những cơn mưa phùn lất phất, vội vã, chợt đến chợt đi liên tiếp cho dù là ngày hay đêm.

Nhà ngoại ở trước mặt nhánh sông nhỏ chạy ngang qua cầu Bạch thổ để ra sông Hương, bên kia nhánh sông đối diện với nhà ngoại là một bức tường dày cộm mà tôi được biết là trường Lasan Pellerin, bức tường rủ kín rêu phong mà thĩnh thoãng tôi mới nghe được tiếng thánh ca của một nhóm người nào đó; và vì có tiếng nghe được có tiếng không nên tôi vẫn không biết là họ hát bài ca gì. Nhánh sông trước nhà ngoại luôn trong vắt và êm đềm trôi; thưở đó các Dì tôi hay dẫn tôi ra tắm ở đây vào ban đêm, các Dì vừa bơi vừa hát và lặn hụp trông rất vui, nhưng các cặp mắt không bao giờ rời khỏi .....tôi; các Dì của tôi ai cũng đẹp hết mà lại ãnh hưỡng nhiều theo lối sống Tây phương nên thưở đó các Dì của tôi nổi tiếng là "hoang" trên cố đô này. Tôi thường nghe các Dì thuật lại nhiều mẫu chuyện xưa và một trong những câu chuyên mà tôi vẫn còn ghi đậm trong tâm cho đến ngày hôm nay là khi vua Duy tân thường hay ẫn mình đến đây để câu cá và cũng để được mách bảo việc nước từ quân sư Trần cao Vân trong công cuộc nổi lên chống ách đô hộ của thực dân Pháp, nhưng cuối cùng bị bại lộ và bị đi đày biệt xứ cho đến ngày nhắm mắt. Tôi vẫn còn nhớ đó, vẫn hồn thiêng sông núi còn lẫn quẫn đâu đây để hổ trợ cho những nhà chí sỉ yêu nước, nhất là vua Duy tân, vì vua mà tôi muôn đời kính phục trong lịch sử cận đại của Việt Nam.

Chiều ba mươi, bà ngoại "hốt" hết đám sinh viên, học sinh, nghệ sỉ hay đến đây đùa giởn, phá phách và cũng là bạn của các Dì và Cậu của tôi, ngoại tôi dặn "Mùng hai Tết, tụi mi mới được tụ họp hĩ, nghe chưa, tụi mi mà đến trước mùng hai là tao lấy chổi chà tao đập chết, hĩ"...tiếng nói của ngoại vẫn văng vẵng đâu đây ở trong tôi dù bao nhiêu năm tháng trôi dạt xứ người mà giọng nói thân thương ấy vẫn nghe rỏ từng tiếng một.