Taberd.org Help Hướng dẩn    
 
To friends
Đề mục: Không phân loại
Chủ đề: 
SÀI GON & NHỮNG CÁI TẾT XƯA ( 1 )
  PreviousNext
# 2790
  25 tháng 01, 2011 17:17  Vũ Văn Chính viết
Locked Chủ đề đã đóng

Sài Gòn & Những Cái Tết Xưa ( 1 )

Kể từ sau cái Tết Mậu Thân 1968 ,thì những cái Tết ở Sài Gòn không còn những tiếng pháo nổ rộn rã đón giao thừa và ăn Tết nữa.Vì những lý do an ninh nên cái lệnh cấm đốt pháo được ban hành.Những năm về sau Sài Gòn chỉ ăn tết bằng những bài ca xuân rộn ràng. Cứ vào đầu tháng Chạp âm lịch,lúc cái xe ba gác mà trên xe chất đầy những cái đầu lân và ông địa,cùng với cái trống to trên xe lúc nào cũng gõ liên tục,đuổi theo là tiếng chập chập cheng rộn rã,là tụi tôi biết Tết sắp về.

Từ cái lúc còn học bên dãy lớp 6,7 ở Taberd.Ngồi trong lớp mà cũng nghe cái xe ấy khua trống khắp phố phường Hai Bà Trưng rồi,cái hình ảnh quen thuộc ấy nó kéo dài cho đến tận bây giờ,tôi cứ nhớ mãi thôi.

Nhớ những mùa xuân thuở nhỏ,có khi được nghỉ tết cả nguyên một tuần,nếu mồng 1 rơi vào ngày thứ 2,thứ 3.Con nít khoái Tết lắm vì được mặc đồ mới và đẹp,được ăn thả giàn và thức ăn lại ê hề và ngon hơn ngày thường,thích nhất là được lì xì. Cứ sáng mồng 1 là bị khua dậy sớm nhất vì ông bà nói đầu năm kiêng kị ngủ nướng,sang năm mới học hành sẽ ì ạch ??? đầu năm không dậy sớm không có tiền lì xì là rông cả năm đó con ???.

Mặt mày còn ngái ngủ vì bị dựng đầu dậy quá sớm nên chú nhóc tôi vừa gật gù mắt nhắm mắt mở,vừa mặc vào người bộ quần áo mới mặc Tết đã được treo sẵn nơi tủ, chị người làm nhanh nhẹn dẫn tôi đi lau mặt và chải mái tóc cho ngay ngắn . Cả nhà cùng quây quần chúc tết và ăn sáng, ông bà bắt tôi đứng khoanh tay và đọc câu chúc Tết ra sao. Tôi không biết chúc Tết người lớn như thế nào nên cứ ấp úng :

- Con chúc ông bà sống lâu trăm tuổi, và ..và..Trăm..Năm ..Hạnh..Phúc.

Thế là cả nhà cười bò ra vì câu chúc Tết quá ư là ngây ngô của tôi,năm đó tôi mới 10 tuổi và đang học lớp Nhất ở trường Taberd,niên khóa 68-69.

Tôi nhớ ngày xưa không hiểu sao nhà nào cũng lắm con nít thế, mỗi nhà cũng nửa tiểu đội chứ có ít ỏi gì ,toàn là cỡ sàng sàng như nhau cả .Mà tụi nó tinh khôn lắm,luôn luôn ngày mồng một mồng hai là có mặt đầy đủ ở nhà,có chạy đi chơi thì dặn dò mấy đứa em,hễ có khách là mau mau kêu về nhà kiếm tiền lì xì gấp.Trong con mắt trẻ thơ của tôi thì cái Tết trôi qua cũng mau lắm,hễ thấy qua mồng 1,2 là đã thấy muốn hết Tết rồi.Do đó ,phải tranh thủ 3 ngày Tết chơi cho đã vì sắp đến lúc đi học lại rồi.

Cho nên nhiều khi đến chúc Tết người lớn cũng hồi hộp,nhà khá giả thì không nói làm gì,gặp nhà khó khăn mà đi thăm nhà xếp dám mất đứt luôn nửa tháng lương Tết. Tới nhà thấy có một hai thằng nhóc xớ rớ đi tới đi lui đừng vội mừng,hễ lì xì cho nó xong là thấy nó chạy mất,chỉ chừng chút xíu là ở đâu tụi nó kéo vào nhà và đứng khoanh tay đồng loạt hô thật to : “ Thưa Chú”. Thưa chú là phải móc tiền ra lì xì tiếp,có khi lì xì luôn cả mấy đứa nhóc hàng xóm kéo vô ăn có.

Sau này tôi có gia đình và có con nhỏ,đi chúc tết mà có hai đứa nhỏ thì hơi hẻo,vì ai nấy cũng khó khăn và do con mình còn bé quá chưa biết xài tiền,nên con mình được lì xì thì ít mà tới thăm chúc Tết thủ trưởng thì có thằng con của Thủ Trưởng năm nay nó cũng 14,15 rồi mà cũng phải móc bóp ra lì xì thế mới buồn chứ. Cho nên về sau rút kinh nghiệm những nhà không quan trọng thì mồng 4,5 mấy đứa trẻ nó đi học rồi tới chúc Tết cũng là vừa và đỡ hao.Ôi khổ thay thời khốn khó.

Càng về sau con nít chúng nó khôn lắm,chúng đã biết xài tiền rồi,vừa cầm bao lì xì là chúng mở ra liền,thấy nhiều tiền thì thôi,nếu ít là chúng bỉu môi chê liền. Không khờ như con mình,khách lì xì thì chẳng đứa nào dám lấy, chỉ chờ bố ra hiệu thì mới dám cầm.

Ăn sáng với bánh chưng,thịt kho tầu và hột vịt,dưa hành củ kiệu đã được muối sẵn trong mấy cái lọ,và được làm sẵn hồi trước tết.Lạp xưởng,giò lụa ê hề,nhà người Bắc còn có thêm món thịt đông để ăn với cơm nữa, món thịt đông gồm tai heo,chân giò heo nạc.. được kho vừa xong để nguội rồi bỏ vào tủ lạnh , ăn giống như giò thủ . Món thịt đông mằn mặn và lạnh mà ăn với cơm nóng hổi thì khỏi chê , ăn với dưa hành ,dưa cải là tuyệt cú mèo ,tôi mê món này lắm nhưng một năm chỉ được ăn thưởng thức một lần vào dịp Tết mà thôi.

Thường người Bắc hay gói bánh chưng đậu xanh và thịt thì luôn luôn nằm giữa cái bánh,cái bánh được cắt ngang dọc và chia làm 9 miếng,thế là cứ ngay giữa là tôi chơi trước vì chỗ này nhiều nhân đậu xanh và thịt,còn lại mấy miếng ngoài rìa ít nhân ít thịt thì dành cho

người lớn. Bên người Nam thì có bánh Tét dài đòn,mà thường ở hai đầu đòn bánh cũng ít nhân thịt lắm,rồi bánh ú ,bánh ít lá gai...Tết nhất là dịp những người buôn bán lớn,người xin ân huệ hay các cấp nhỏ biếu quà các xếp lớn,nên trong nhà ê hề đồ ăn thức uống,nhiều khi ăn không hết 3 ngày Tết,lại phải gói ghém cho những người giúp việc trong nhà.

Bọn con nít như tôi chỉ cầu mong sao có ai tới đạp đất xông nhà là vù ra ngoài chơi ,bên ngoài có mấy sòng bầu cua cá cọp mà mọi người bu vào chơi đông và vui quá.Tôi cũng không sợ mất tiền lì xì,cho dù không có mặt ở nhà nhưng vẫn được khách gởi tiền lì xì lại cho cháu nó.Ôi thung thướng quá.

Cơm nước xong,nếu chưa có ai đến xông nhà lấy hên thì cứ việc ở trong nhà chơi,có khi đến trưa mồng 1 mới có người xông nhà đạp đất,lúc đó tôi mới được ra khỏi nhà để chạy chơi với mấy nhóc hàng xóm,nãy giờ ngồi nhìn người lớn cắn hạt dưa tí tách rồi ôn chuyện xưa, tôi không hiểu được cái thú cắn hạt dưa ,chỉ biết là cái hạt trăng trắng và nhỏ xíu kia ,ăn chẳng có gì ngon và hấp dẫn cả ,làm sao bằng cái khay đựng mứt và bánh kẹo đang nằm trên bàn kia. Thế là tôi chơi cái mâm đựng các loại mứt ,kẹo mà hồi đó tôi hay ăn cái kẹo đậu mè đen cho mồm nó đen thui rồi đi hù mấy thằng nhóc ngoài đường,mấy cái bánh đậu xanh được vo viên tròn bằng cái giấy kiếng màu xanh đỏ lại có tua ở 2 đầu,mứt me ,mứt măng cầu dài thòng,mứt bí to đùng chứ không bào nhỏ như sau này,mứt dừa trắng tinh với lớp đường bọc bên ngoài, mà hồi ấy tôi chỉ khoái mút hết lớp đường ,tới phần miếng dừa mỏng nhạt nhắt thì mới bỏ.

Nhà nào có vai vế và mua bán trong xã hội thì con nít được tiền lì xì nhiều lắm,nhiều khi khỏi cần đi đến nhà ai cứ ở nhà chờ khách đến chơi cũng có tiền.Chính vì vậy mà tôi lại biết xài tiền rất sớm,cứ hết tết là tôi tha hồ đi học ăn hàng,mua truyện tranh và có khi cả đồ chơi nữa.Mà ngán nhất là lúc hết Tết , hết ngày mồng 3 là thấy buồn rồi .Phải sửa soạn cặp vở để đi học lại và làm các bài tập về nhà , không hiểu sao các thầy cô cứ nhè mấy ngày nghỉ lễ ,Tết là cho một lô một lốc những bài làm về nhà ,vì nghỉ Tết hơi lâu và vui quá nên nghĩ cảnh đi học lại thì thấy buồn,cho dù sau mấy ngày Tết ông nhóc nào cũng rủng rỉnh tiền trong túi.Đó là những mùa xuân thuở nhỏ của tôi.

( Trích Chương : Sài Gòn & Tết)

Vũ Văn Chính, Sài Gòn tết Tân Mão 2011.