Taberd.org Help Hướng dẩn    
 
To friends
Đề mục: Văn thơ
Chủ đề: 
Taberd - 50 Năm Một Chặng Đường Nhìn Lại ( 9 )
  PreviousNext
# 7151
  24 tháng 09, 2014 17:22  Vũ Văn Chính viết


                        Tôi cũng lấy làm tiếc vì đã bỏ trường ra đi khi gia đình gặp biến cố mà không được ngồi lâu hơn nữa cùng với các bạn trong ngôi trường thân yêu của mình. Để mỗi buổi sáng sớm trước khi vào trường có thể ghé vào khu cà phê vỉa hè trên đường Nguyễn Du,ngồi nhấm nháp ly cà phê nghe giọng ca quyến rũ của Terry Jack với bài :Season in the Sun và bài : If you go always trứ danh vào năm 1974.     Hoặc The Marmalade với bài : Reflections Of  My Life với đoạn solo guitar buồn thảm ở giữa bài của năm 1969.      Nghe giọng mượt mà mê mẩn của anh chàng xấu trai người da đỏ Lobo với : I’d Love You To Want Me ( 1972) và bản: How Can’t  I Tell Her ( 1974).       Hay cái giọng nhừa nhựa của ca sĩ John Fogerty thuộc ban nhạc CCR ( Creedence Clearwater Revival ) với bài Have You Ever Seen The Rain và bài Who’ll Stop The Rain , mà ngày ấy có lời đồn cả ban nhạc đã chết trong một vụ tai nạn máy bay, nhưng không phải vậy , vào năm 1974 họ xuất hiện và cho ra bản nhạc Someday Never Comes làm nức lòng giới trẻ hâm mộ , nhưng rồi sau đó họ lại thật sự tan rã).  
                                        
                 Điếu thuốc cắm hờ hững trên môi và nhìn khói thuốc ,rồi thả hồn vào giọng ca liêu trai Christophe với bài : Les Paradis Perdu buồn bã và Les Amoureux Qui Passent( 1973 ) nồng nàn với ca khúc :Je Suis Parti.       Hay thần tượng trẻ tuổi ca sĩ Pháp mới nổi không kém gì Christophe , mà có cái tên giống Ăng-Lê : Art Sullivan rên rỉ nỉ non với bài : Sans Toi hay : Adieu Sois Heureuse ( 1974 ) .     Rồi mơ màng tập tành làm người lớn. Mơ những câu chuyện tình thật đẹp sẽ đến với mình y hệt như trong những cuốn phim tình yêu thời thượng lúc bấy giờ. Thích bắt chước những nhân vật trong những cuốn phim ấy. Lúc cuốn phim tình cảm  Love Story do hai diễn viên Ali MacGraw và Ryan O’Neal thủ vai mới ra lò ( hình như vào năm 1970 hay 71 gì đó ), phim kết thúc với cái chết của cô gái trong phim thì mọi người đi xem phim ở trong rạp buồn muốn rơi lệ, nhất là các cô bé .Có thể nói đây là một cuốn phim mà học sinh Taberd rất thích và là cuốn phim thần tượng của các ông thanh niên mới lớn thời bấy giờ.Phim đã hay mà nghe nhạc phim do nhạc sĩ Francis Lai sáng tác cũng hay không kém bởi giọng ca truyền cảm của Andy William . Có một thời tôi lếu láo ngửa cổ mà rống lên rằng : “Đời không biết yêu,thì sống làm chi,chết… mẹ cho rồi…”. 

                 “What the hell makes you so smart?” – I asked “ I wouldn’t go for coffee with you” – She answered “ Listen-I wouldn’t ask you” That, “She replied “ is what makes you stupid” . Đó là vài câu thoại khi 2 người gặp nhau lần đầu trong thư viện , khởi đầu cho một câu chuyện tình đẹp và rất buồn.Và đó cũng là một trong những kỷ niệm khi tôi còn học ở Taberd.

                  Còn nhớ khi coi cuốn phim Romeo&Juliette của đạo diễn Franco Zeffirelli, do hai diễn viên rất đẹp đôi là Olivia Hussey( Juliette) và Leonard Whiting (Romeo) đóng.     Trên cổ  Juliette thường đeo sợi dây ngắn với cây thánh giá trên cổ, thì ngay lập tức nó trở thành món thời trang phổ biến rộng rãi của nam thanh nữ tú Sài Gòn. Hay mái tóc dài rất đẹp của Leonard Whiting. Ở cái tuổi mới lớn , tôi cũng không còn có dịp vào những buổi trưa hay buổi chiều thứ bảy,đứng lóng ngóng  trước cổng trường hát lẩm nhẩm câu : “ Em tan trường về ,đường mưa nho nhỏ …” và đứng thơ thẩn ngắm tà áo dài màu xanh dương tha thướt của các nữ sinh Saint Paul hay tà áo dài hồng tươi thắm của nữ sinh Thiên Phước,để tưởng tượng ra cho mình một mối tình thơ mộng đầy lãng mạn nào đấy. 

                 Trường nữ Saint Paul và nữ Thiên Phước là 2 trường của các Ma Soeur thành lập và phụ trách , cả 2 được xem như là trường “bồ bịch” thân thiết của trường Taberd trong những dịp lễ lớn,như góp phần giúp vui văn nghệ ,ca hát hay nhảy múa như trong dịp lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Taberd (1874 – 1974 ). Những trường này cũng là nơi phần đông có các bà chị hay em gái của mấy ông Taberd học ở đấy.Phải nói là không ngoa , khi nhắc đến những hoạt động của Taberd là người ta lại nhớ đến Thiên Phước và Saint Paul. Trường Thiên Phước nằm bên cạnh nhà thờ Tân Định trên đường Hai Bà Trưng nhộn nhịp và tấp nập người đi lại, nên cũng khung cảnh cũng không thơ mộng cho lắm,chỉ có tà áo dài hồng lợt thướt tha và quý phái tung bay mỗi sáng và trưa là còn quyến rũ các gã trai tơ mới lớn. Trường Saint Paul thì lại khác,nằm trên đường Cường Để ( bây giờ là đường Tôn Đức Thắng ) với hai hàng cây cổ thụ to và cao vút lên trời cao dọc hai bên đường, rất yên tĩnh và thoáng mát. Trường có ngôi nhà thờ xây theo kiến trúc của Pháp nên nhìn rất nguy nga và ấn tượng,ngoài ra bên cạnh là tu viện của các Soeur ,nơi đây ngoại trừ có việc gì cần thiết thì đàn ông mới được vào ,còn không thì cũng chẳng có bóng dáng anh nào lảng vảng nơi chốn tu hành của các Soeur. ( Mãi sau này ,năm 2011do có frère Giám Học Marcien Luật của tụi tôi từ Mỹ về thăm em của frère là Soeur Lệ đang nghỉ hưu ở đây,nên tụi tôi và các lớp đàn em khác mới được vào khu riêng biệt này. Tu viện có hai cổng ,một cổng nằm trên đường Cường Để ,còn cổng tu viện thì nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ,gần trường nữ Trưng Vương lừng danh ngày ấy,con đường nhỏ này cũng đẹp và thơ mộng lắm,vẫn hai hàng cây cổ thụ to cao ở hai bên đường,gần đấy còn có Thảo Cầm Viên rợp bóng mát nữa nên đây là một trong những con đường đẹp của Sài Gòn). Chính vì thế mà bác Phạm Duy mới cảm hứng sáng tác ra bản nhạc bất hủ Con Đường Tình Ta Đi “…Hỡi người tình Văn khoa ,bóng người trên hè phố. Lá đổ để đưa đường ,cho người tình Trưng Vương…”  , mà bọn học sinh chúng tôi thời ấy rất thích và học thuộc lòng , chỉ sau bài Ngày Xưa Hoàng Thị đầy tuyệt vời.

                 Thỉnh thoảng vào những buổi trưa hàng ngày hay nhất là vào trưa thứ bảy cuối tuần, dưới bên hai hàng gốc cây là những “cây si” đứng kiên nhẫn lặng lẽ chờ người yêu ,hay đứng lơ đãng ngắm những áng mây bay lờ lững trong nắng rồi nhìn những tà áo xanh blues ( của trường Saint Paul) xen kẽ với những tà áo trắng ( của trường Trưng Vương ) tung bay trong nắng trưa lung linh trên con đường bụi mờ , cũng có những ông chưa đủ tuổi yêu , hay bị đám con gái chọc quê : “ Anh còn nhỏ lắm anh ơi” cũng tập tành ra đây đứng lóng ngóng đợi mà không biết ngóng đợi ai nữa , và khe khẽ hát câu : Buổi sáng tan chuông tà áo trắng (hay xanh) ngập đường , mình anh chơ vơ chờ em trước cổng trường..( Bên Nhau Ngày Vui – Quốc Dũng ). Thật tiếc là con đường nằm trước cửa trường Saint Paul không có hàng phượng vĩ thắm đỏ trong ánh nắng trưa lung linh ,hay bay phất phơ trong cơn gió thoảng của trưa mùa hè. Để cho những gã trai mới lớn đứng thơ thẩn lẩm nhẩm câu : “..Anh trao vội vàng,chùm hoa mới nở,ép vào cuối vở muôn thuở còn thương,còn thương… ( Bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị (Ngọ) của nhà thơ Phạm Thiên Thư ,người mà từng cho bài thơ lừng danh này chỉ là những kỉ niệm dĩ vãng,mối tình thoảng nhẹ vu vơ của thời trai trẻ. Và cũng nhờ bàn tay “phù thủy” của  bác Phạm Duy phổ nhạc nên bản nhạc cũng trở nên bất tử qua mọi thế hệ ). Tôi cũng chẳng có một mối tình nào với một “em” Saint Paul ,mặc dù thỉnh thoảng cũng chịu khó len lén ra đây đứng ngóng mà không biết ngóng ai vào mỗi chiều thứ bảy!.