Taberd.org Help Hướng dẩn    
 
To friends
Đề mục: Văn thơ
Chủ đề: 
Taberd - 50 Năm Một Chặng Đường Nhìn Lại ( 3 )
  PreviousNext
# 7109
  15 tháng 09, 2014 09:22  Vũ Văn Chính viết

                   Trường Taberd là trường nhà Dòng ,học sinh toàn là con trai nên đa số các thầy dạy trong trường thường đông hơn các cô. Các cô chỉ dạy ở các lớp nhỏ như lớp Nhì, lớp Nhất cho tới lớp 8 ( đệ Ngũ ),lớp 9 ( đệ Tứ ) thì không có các cô dạy nữa. Chính vì thế mà các ông nhỏ như tụi tôi thường có những ánh mắt “ngây thơ” nhìn về các cô, nhất là các cô “đẹp” như hai cô Thanh Hà,Song Hà dạy lớp Nhì ,rồi cô Đạm Thủy, cô Bích Vân , cô Như dạy lớp Nhất, cho tới cô Hứa Ngọc Ánh dạy Lý – Hóa lớp 6, cô Nguyễn Thị Đông dạy vạn vật lớp 6,lớp 7. Có những ông nhỏ nhớ rất rõ về các cô đến từng chi tiết một,từ dáng đi cho tới cử chỉ và giọng nói. Nào có ai ngờ đâu mấy ông nhóc tì đã biết để ý cái đẹp của các cô trong cái trí nhớ ngây thơ ngày còn bé đâu.Nào mái tóc ngắn kiểu cô ca sỹ pháp Sylvie Vartan có cài cái bando của cô Song Hà , hay mái tóc bồng của cô Ánh , ngay như cái dáng đi hơi khập khiễng của cô mà mấy ông cũng còn không tha nữa là. Còn ghê hơn nữa là có một ông tôi xin giấu tên bây giờ mới “thú tội” ,là ngày xưa ông dám viết thư “tỏ tình” nhưng không dám đề tên rồi lén gởi cho cô, cô đã mang cái thư “động trời” ấy đọc ngay giữa lớp , lời lẽ trong thư chắc là rất ngây ngô nên ông nhỏ “can đảm” kia ngồi nghe và cảm thấy muốn..độn thổ. Nhớ cả đến hai cái cánh tay ướt đẫm mồ hôi của cô Đông mỗi lần cô viết bài trên bảng , cũng như chiếc xe hơi mà cô tự cầm lái đi dạy.Nội cái chuyện cô Bích Vân đi dạy mà mặc Jupe thôi,cũng đủ làm cho mấy ông nhìn “ngất ngây con tàu đi rồi”, tôi không học lớp do cô Bích vân dạy nên thoạt đầu tôi cũng nghi ngờ ,không biết mấy ông nhỏ khi xưa bây giờ già rồi , có lầm lẫn gì khi nhắc chuyện cũ hay không? Vì Taberd ngày xưa rất nghiêm chỉnh trong vấn đề ăn mặc của các Thầy Cô. Nhưng sực nhớ tới bà đầm L’arrive dạy Pháp Văn năm lớp Nhất của mình ngày ấy cũng duyên dáng mặc chiếc váy hoa đi dạy,nên tôi tin là mấy ông nhớ rất chính xác. Ông nhỏ Lý Đức Thắng còn đứng “rình” mỗi buổi sáng trước cổng trường , ông chồng Tây của cô Bích Vân chở cô tới trường,rồi hai người tình tứ hôn nhau tạm biệt làm ông cứ suýt xoa ước ao là mình mau lớn để giống như ông chồng Tây kia vào mỗi buổi sáng!!!!.Tôi bảo đảm mấy kỉ niệm về các cô thì rất nhiều các ông nhỏ cùng promo tụi tôi đều nhớ rất là kĩ càng,cho tới tận bây giờ. Mấy ông nhỏ khi xưa “ghê gớm” thật , nên nhớ vào năm lớp nhất mấy ông cũng chỉ mới 10 tuổi thôi.

                            Đây là lời tâm sự của Nghiêm Quốc Việt mãi sau này “ tự thú” khi nhớ về cái lớp Nhất do cô Bích vân dạy môn Pháp văn ngày xưa :

                    Năm học lớp nhất Việt được ( bị thì đúng hơn ) bổ nhiệm làm trưởng ban trật tự cho lớp mình.Việt phải lên phòng học 10 phút trước khi rung chuông để mở cửa lớp, bỏ cặp vào hộc bàn xong và đeo khăn quoàng xanh trắng vào cổ ... Việt sẽ đứng trước ở giữa cầu thang đợi các bạn đi lên lớp...Nhiệm vụ của Việt là giữ những bạn nào nói chuyện trong hàng...Sau đó Việt sẽ dẫn xuống phòng frère  Giám Học để bị phạt bằng roi...Trưởng ban trật tự của tất cả các lớp nhất thường 
được họp lại sau đó và thuởng cà lem que đậu xanh hay sầu riêng... 

                     Lớp pháp văn là lớp đầu tiên của buổi sáng cho lớp nhất 4 ... Lúc lên lớp sớm Việt hay gặp cô Bích Vân ngồi ở bàn đầu bìa phía bên phải lớp...Cô hay ăn bánh mì và mơ mộng nhìn xuống đường Hai Bà Trưng... Cô không bao giờ để ý lúc Việt bước vào phía sau lớp học nên Việt cũng để cô có sự yên lặng và không lên tiếng chào cô... Một hôm khi Việt sửa soạn vào phía sau lớp thì thấy cô quay đầu ra phía đường Hai Bà Trưng và đang kiểm tra cái jupe... Việt thoáng thấy cái .... ( viết vậy thôi ,tùy ai nấy tự tưởng tượng ra , nếu viết tỉ mỉ quá sẽ bị dư luận trong và ngoài sân trường lên án và chửi te tua luôn – Vũ Văn Chính ). Và về nhà Việt bị bệnh hết ba hôm... 

                 Cũng từ dạo đó đầu Việt có sạn...Đa số chúng ta đã HƯ ...từ bài pháp văn đầu tiên ở lớp nhất... 

                 Đúng ra tôi không muốn viết những kỷ niệm ngây ngô này ra vì sợ phiền lòng các Thầy ,Cô ,nhưng khi đọc bài của anh chàng học giỏi nhất Taberd 76 khi xưa là Nguyễn Văn Em, sau khi đã hỏi thăm dò ý kiến của các Thầy thì anh ấy mới viết như sau :
                  Hôm thứ 7 vừa qua, tôi có dịp nói chuyện với một thầy củ. Tôi có hỏi vị thầy này xem lời đùa giởn của anh em có làm buồn lòng các thầy cô năm xưa không, nhất là nếu như cô Bích Vân đoc được những câu chuyện đùa giởn này. Vị thầy này có lui tới mục Sân Trường và có nhận định như sau: 

                 " Tôi thấy không sao và nghĩ các thầy cô chỉ buồn cười thôi, ngay cả cô Bích Vân, vì đây là một kỹ niệm đẹp và có thật của tuổi học sinh. Giống như việc mấy anh tả về thầy (frere) Martial làm hiện lại hình ảnh sống động năm xưa ". 

                 Chính vì thế tôi mới dám viết như trên. Vả lại với số tuổi mới lên 10 thì chúng mình có nghĩ gì được sâu xa đâu , chẳng qua mấy ông nhỏ chỉ tò mò và thích khám phá mà thôi, kiểu như Columbus khám phá ra Châu Mỹ vậy , thấy cái gì thì nhớ và viết như thế mà thôi. Có một điều cần phải nói thêm , đa số các cậu ấm Taberd ( gọi là cậu ấm chứ không thêm chữ cô chiêu , bởi vì đơn giản là trường Taberd toàn là đực rựa thôi) ở nhà được một bà vú chăm sóc từ tấm bé cho tới đi học. Nên khi tới trường mấy ông nhìn Cô và chợt nhớ tới các bà vú chăng ?Các bà vú này thường là trẻ tuổi nên đôi khi các cậu cũng “vô tình” đối với các bà vú như vẫn Nghiêm Quốc Việt lại “tự thú” thêm một lần nữa :

                       Lúc Việt lên năm tháng thì mẹ Việt lại có bầu nên mới kiếm một chị Vú nuôi cho Việt... Việt được kể lại là : 

                        Chị Vú mới 16 tuổi...Mỗi khi Việt khóc thì chị liền cho Việt sờ Tí...Từ đó trong nhà Việt là đứa hay nhè và cũng là đứa mau nín khóc nhất...Nhiều  khi khóc mà không có giọt nuớc mắt nào cả... Cũng từ dạo đó Việt lớn lên trong tình thuơng yêu và sự chiều chuộng của chị Vú... Và cũng từ dạo đó Việt không thể sống một ngày thiếu Vú... 

                       Nhưng chuyện gì cũng phải qua đi và ngày đầu tiên nghỉ hè onzième cũng là ngày chị Vú về quê. Đợi mãi không thấy chị lên lại Việt mới hỏi mẹ thì mẹ bảo là: 

                                -  Con ơi chị Thu đã lấy chồng ở quê rồi con ạ. Chị không lên nữa đâu. Mà con lớn rồi đâu cần chị Vú nữa phải không ? 

                     Trời ơi là Trời làm sao giải thích cho mẹ tôi hiểu đây ? Việt không biết làm sao đây ? Rồi mọi thứ cũng nhẹ nhàng qua đi... 

                     Cho đến một buổi sáng lớp dixieme lúc chơi U ở trước Thính Đường Việt rượt bắt anh Thái Sơn nhà mình, lúc nắm được áo thì anh Sơn này không chịu thua mà cứ vùng vẫy và vẫn chu mỏ ra UUUU om ỏi. Trong lúc giành co Việt vô tình, xin nhắc lại là VÔ TÌNH đấy nhé, Việt lần đầu tiên lỡ tay bóp phải vú của anh Thái Sơn... 

            Thật sự là Việt không có cảm xúc gì cả và Việt xin nhắc lại là KHÔNG CÓ MỘT CẢM XÚC GÌ CẢ ! 
                 Chắc có lẽ chính vì thế mà không thấy các cô dạy các lớp lớn như 9,10,11…Nếu có , thì có những ông ngồi học mà không lo học hay có cái tư tưởng trong đầu lớn hơn cái tuổi , cứ ngồi “mơ màng” những chuyện không đâu thì rắc rối to.

                 Nếp sinh hoạt cứ như thế ròng rã suốt mấy năm trời học ở Taberd thì làm sao mà quên được. Rồi còn những thằng bạn chơi chung với nhau nữa , hầu như mỗi năm đều chơi với một thằng bạn mới lẫn cũ , cùng nhau học cùng nhau nghịch ngợm .Vì là học sinh con nhà giàu nên lối ăn uống ,lối chơi cũng khác người. Ở nhà ăn sáng thì đã đành ,nhưng rồi cũng ngán chỉ khoái la cà ra khu bưu điện ăn mấy món “ bình dân” ,nhưng đối với học sinh Taberd thì đó là những món ngon miệng và khoái khẩu , không chê vào đâu được.                                                   
                     Khu ăn uống trước bưu điện 
                  

                                                              Bò Bía

                            Đồ chơi thì toàn là thứ nhập từ nước ngoài về và đắt kinh khủng .Thỉnh thoảng có thằng lại đem ra khoe những hòn bi ngoại rất đẹp, vài chiếc xe nho nhỏ xinh xinh,đôi khi là những con rối ngộ nghĩnh. Lạ một điều,hễ có món ngon nào mới ra hay mấy món đồ chơi nào đó,thì dân Taberd đều biết “ thưởng thức” và cũng đồng loạt chơi giống y chang nhau.

                   Nhớ vào những năm lớp 6,lớp 7,có phong trào chơi đá dế trong trường , cứ mỗi buổi sáng trước cổng trường ,những người bán dế mang những cái lồng đựng dế treo trên xe đạp đứng bán trước cổng, trong lồng toàn dế là dế và chúng thi nhau gáy vang lên inh ỏi. Thoạt đầu có mấy ông nhỏ mua thử vài con và cho chúng đá nhau chơi,thấy hay hay khi hai con dế lao vào nhau cắn xé rồi có một con bỏ chạy,kẻ chiến thắng bèn vẫy cánh gáy ăn mừng chiến thắng trước địch thủ ,thế là thành một phong trào chơi đá dế. Các ông mua dế về rồi đựng trong cái hộp quẹt giấy cho tiện, còn có ông kĩ hơn ,lấy mấy hộp thuốc bằng nhựa hơi lớn hơn cái hộp quẹt một chút,trên nắp ông đục thêm mấy lỗ để cho con dế nó có chỗ thở. Rồi ông cho đất vào chừng nửa cái hộp nhựa , ông bỏ thêm cái hộp quẹt vào để làm nhà cho dế ở ???,thêm một chút cỏ cho nó có vẻ thiên nhiên cùng với một miếng cà chua gọi là lương thực cho dế ăn uống. Mấy ông say mê và nâng niu chăm sóc chú dế ghê lắm ,đem dế vào trường cứ mỗi giờ ra chơi là mấy ông ngồi chụm nhau ở mấy cái góc tường , vì đây là chỗ lý tưởng nhất để làm đấu trường chọi dế ,mấy chú dế cứ men theo vách tường mà “lủi” tới cắn nhau. Chơi đá dế cũng là cả một nghệ thuật chứ không phải giỡn đâu nghen, phải biết chọn chú dế lửa ( gọi là dế lửa vì đôi cánh của chú màu đỏ tía ) khỏe mạnh và hung hăng, có mấy ông nhỏ khờ khạo không biết “nhìn” dế nên có ông mua cả dế than ( dế than có đôi cánh đen tuyền như..than ,nên gọi là dế than ), loại dế này hiền khô nên không biết oánh nhau.

             Mỗi lần cho chú dế ra đấu trường là phải khởi động làm cho các chú “nóng người” lên , giống như giờ tập thể dục ở trong trường vậy , phải chạy một vòng sân trường bở hơi tai rồi sau đó mới tập các môn khác ,thì các chú mới hung hăng đá nhau. Theo kinh nghiệm “chiến trường” của mấy ông nhỏ truyền tai nhau , các ông nhỏ khởi động chú dế bằng nhiều cách để các chú hung hăng lên, có ông nhẹ tay nhón cái râu ở gần miệng của chú dế rồi đưa “nguyên con” lên miệng thổi cho chú vỗ cánh rồi mới thả chú trước đối thủ, còn có chú lấy cây tăm ghim nhẹ sau lưng chỗ giữa hai cái cánh chú dế và thổi nhẹ , hoặc có ông nhỏ còn hung bạo hơn ,ngắt đầu của một chú dế đã chết rồi cắm vào cây tăm và quay trước mặt chú dế lửa , tưởng là địch thủ nên chú dế háu đá nhe càng ra và gáy lên liên hồi trước đối thủ,rồi cứ thế mà lao vào cắn địch thủ.
           

                               
             Có những hôm trong lớp ngồi im phăng phắc để nghe tiếng thầy Nguyễn Phi Loan ,dạy môn quốc văn lớp 6 cứ đều đều đến buồn ngủ , đã có vài ông như ông Vũ Đăng Phước được xem như vua ngủ gục trong lớp đang ngồi gà gật cái đầu lên xuống kia. Bỗng đâu cả lớp nghe có tiếng dế gáy từ trong cái hộc bàn của ông nhỏ nào đấy,rồi như là một dây chuyền các “ông” dế khác cũng đua nhau gáy và làm lên một bản đồng ca Dế Gáy.  Bình thường các “ông” dế nằm ngoan ngoãn trong cái hộp quẹt hay trong hộp nhựa, cùng lắm nếu thấy buồn thì các “ông” chỉ khẽ rên lên “chịch..chịch..” là cùng,chắc bữa đó có ông nhỏ nào ngồi buồn bèn táy máy “chọc” cho “ông dế” nổi sùng nên ông mới ré lên như vậy. Thầy Nguyễn Phi Loan cũng chỉ hiền từ lắc đầu và kêu các ông nhỏ ngồi im lặng dùm cho. 

             Dân Taberd chơi cái gì cũng mau chán,và chỉ một thời gian là các ông chán chơi đá dế ,và chuyển sang các trò chơi mới hấp dẫn hơn. Rồi các ông thả tự do cho những chú dế ra trước sân cỏ danh dự . Cuối niên học đó ,trước sân danh dự bên cạnh những chú ve kêu ran inh ỏi báo hiệu một mùa hè đến ,thì cũng có cả những “ông” dế thi nhau gáy vang lừng cho có bạn có bè với chú ve sầu. Đó là bản hợp ca mùa hè về.