Taberd.org Help Hướng dẩn    
 
To friends
Đề mục: Văn thơ
Chủ đề: 
Thầy Ơi , Xin Vĩnh Biệt ( 2 )
  (1 trả lời)
  PreviousNext
# 5828
  30 tháng 05, 2013 09:35  Vũ Văn Chính viết


            Rồi dòng đời cứ mãi trôi , có những lúc tôi tưởng đâu những quá khứ xưa đã trôi vào quên lãng , tôi bị cuốn hút vào cuộc sống hiện tại ,và cứ thế mà lặng lờ sống. Mãi cho đến cuối năm 2009 , anh em Taberd chúng tôi mới bắt đầu liên lạc được với nhau qua trang Taberd.Org của Lê Việt Quang , Quang cũng là bạn học chung với tôi lớp 9-6 Niên Khóa 1972-1973. Vào tháng 8/2010 có một cuộc Hội Ngộ các học sinh Lasan tại Mai Thôn ,anh em chúng tôi cũng được tham dự cùng với Thầy, Cô . Và cũng chính tại nơi đây sau 32 năm tôi mới được gặp lại thầy Nhàn và cô Như.
             Trông thầy cũng già đi rất nhiều , nhưng gương mặt thầy cũng không thay đổi là bao, thầy vẫn khoác chiếc áo vest đen mỏng y như ngày nào. Thấy thầy đi đứng có vẻ khó khăn ,tôi hỏi thầy thì được biết thầy bị huyết áp cao và bị tai biến nhẹ nên đi đứng rất khó khăn. Tôi được nghe lại tiếng nói cùng tiếng cười the thé của thầy giống y như xưa. Có những lúc chợt thấy Thầy ngồi cười và lẩm bẩm những gì không rõ trên cửa miệng , ánh mắt thầy thoáng một chút bất cần đời và chán chường mệt mỏi , của một người sống nửa tỉnh nửa mê với thế giới chung quanh mình. Đó là những gì tôi đã thấy khi gặp lại thầy , đến lúc chia tay thầy tôi cũng chưa kịp hỏi thăm về gia cảnh của thầy cũng như tò mò muốn biết …con gái thầy hiện sống ra sao ?. Tôi thấy ngài ngại nên thôi. 

          Kể từ lúc ấy cho đến sau này tôi cũng chưa gặp lại thầy , cũng chỉ vì cái tính sĩ diện và tự ti mặc cảm chuyện năm xưa( có một số không nhỏ , anh em Taberd mình thường hay mắc phải căn bệnh này ). Nhưng qua những lần gặp gỡ bạn bè và nghe bạn bè kể ( nhất là bạn Quới ), tôi cũng được biết về thầy một phần nào. Hiện gia cảnh của thầy cũng rất khó khăn và bi đát. Căn nhà cũ nằm trong con hẻm sau nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế bị nhà nước giải tỏa để mở rộng đường Trương Định , gia đình thầy cũng được bồi thường một số tiền để đi kiếm nơi ở khác. Gia đình cũng mua được một căn nhà ở vùng ngoại thành , rồi gia đình thầy có vay mượn ngân hàng một số tiền để làm ăn ,như thuê căn nhà mặt tiền đường Kỳ Đồng để mở quán bán hàng ăn , nhưng thất bại vì buôn bán ế ẩm , mà tiền ngân hàng thì gia đình thầy cũng không trả nổi . 
     
          Trong lúc túng quẫn , nghe lời bọn cho vay nặng lãi ( hay còn gọi là bọn cho vay xã hội đen - mức lời có khi lên đến 20, 30%/ tháng) nó cho vay để trả nợ ngân hang rồi lấy giấy tờ nhà ra , chúng lại cho vay thêm để làm ăn. Với mức lãi cao ngất như thế thì làm sao gia đình trả nổi chỉ riêng phần lãi,chứ đừng nói chi đến phần vốn. Để tránh rắc rối , gia đình cuối cùng phải bán căn nhà ở ngoại thành để trả nợ , còn một ít gia đình thầy gởi tiết kiệm để phòng thân.
 
          Gia đình thầy mướn một căn nhà mặt tiền đường Kỳ Đồng ( bên cạnh trường Tiểu Học Kỳ Đồng ) để mở tiệm bán bánh cuốn, với giá thuê 18 triệu đồng / tháng. Với một tiệm bán bánh cuốn nhỏ mà chỉ bán cho một số khách quen  thì số tiền trên quả là một gánh nặng , nghĩa là cứ sáng dậy mở mắt ra là phải lo kiếm cho được 600.000 đồng /ngày ,đó là tiền sở hụi để đóng tiền nhà , chứ chưa tính tiền cả gia đình phải chi phí hàng ngày, mà tình hình sức khỏe của thầy cứ đau ốm luôn. Ngoài bánh cuốn  các cô con gái còn bán thêm luôn cả món bún bò , cơm trưa, và mới đây vào buổi chiều có cô cháu gái còn bán them nước giải khát trà chanh , nhưng cũng vẫn không đủ sợ hụi hàng ngày. Cứ thế mà gia đình thầy lâm vào cảnh bế tắc không lối thoát , khó khăn càng chồng lên khó khăn. 

           Thầy có tất cả 10 người con , gồm 4 người con trai và 6 người con gái , Mỹ Linh là con gái thứ 2 của thầy. Hiện có 3 người con út gồm một 1 trai và 2 gái đã đi làm rồi , còn lại 7 người con và một cháu cùng sống chen chúc với thầy cô tại căn nhà thuê mướn 12 năm nay  Có một điều khó hiểu là con cái của thầy ai nấy cũng trưởng thành , nhưng không thấy ai khá giả gì hơn . Thỉnh thoảng tôi cũng được biết một ít thông tin về Mỹ Linh qua những người bạn , hình như hạnh phúc của cô ấy cũng không được suôn sẻ cho lắm , cô ấy sống cũng bất cần đời và có vẻ chán chường với cuộc đời. 

       Thầy càng ngày càng yếu vì tuổi đã cao với đủ thứ bệnh của người già, thầy không còn đi đứng được nữa mà chỉ nằm một chỗ trong một không gian chật hẹp, trên một chiếc giường cũng ọp ẹp như thầy vậy, nghe Quới nói hai chân của thầy bị hoại tử nhất là mấy ngón chân của thầy nhìn đen thui. Thầy nằm đó nhưng thầy có nhận biết được những gì cuộc sống ở chung quanh đâu. Mỗi lần anh em tới thăm thầy , thấy cảnh ngộ của thầy như vậy nhưng cũng không biết làm cách nào để giúp cho thầy . Quỹ Tương Trợ thì cũng chỉ giúp được phần nào vì quỹ còn hạn hẹp, mà trường hợp của thầy thì lại là trường hợp thường xuyên cần đến sự giúp đỡ ấy, vì lúc sau này thầy vào nằm cấp cứu ở bệnh viện nhiều hơn vì những căn bệnh của tuổi già.

        Cũng thật may khi thầy còn được các học trò quan tâm tới như Chu Mạnh tuyến, Lý Văn Quới,Phạm Đình Nguyên và La Thu Chinh, cùng với những học trò cũ ở hải ngoại. Cứ mỗi lần từ Anh về Việt Nam là Tuyến ghé vào thăm thầy và giúp đỡ cho thầy một phần nào ( đây cũng là một nét đẹp của anh em Taberd mình ). Sau này thì mỗi tháng Tuyến cũng gởi về cho thầy 2 triệu đồng/tháng để thầy lo thuốc men. Và đầu năm 2013, Tuyến cũng đã bàn bạc với anh em là trước mắt sẽ sửa sang lại chỗ thầy nằm cho tươm tất và thông thoáng hơn, cũng như sẽ lo cho thầy mỗi khi thầy nằm viện. Dự tính là thế , nhưng chưa kịp thực hiện thì thầy đã ra đi đột ngột rồi.
   
         Sáng ngày thứ sáu 03.5.2013 tôi nhận được điện thoại của Phạm Đình Nguyên báo tin là thầy Nhàn đã mất lúc 15g25 ngày thứ năm , và hỏi tôi có đi phúng điếu lúc 6g chiều nay không ? ( tôi phải cám ơn Nguyên đã báo tin cho tôi được biết,vì bạn ấy nghĩ tôi là học trò của thầy,lẽ dĩ nhiên là tôi phải đi phúng điếu thầy rồi ). Buổi chiều , sẵn trên đường đi tôi ghé vào cô Như báo tin cho cô biết và luôn tiện chở cô đi. 

         Thắp nhang cho thầy,đọc kinh cầu nguyện và đến nhìn thầy lần cuối, thầy nằm đó với khuôn mặt nhăn nheo và già nua sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời,thầy đã thanh thản ra đi. Rồi tôi cũng được gặp lại Mỹ Linh của ngày xưa , nhưng cái dáng thon thon cùng với mái tóc dài ngang lưng khi xưa không còn nữa , trông em mập và nặng nề vì cũng sắp sửa bước sang cái ngưỡng cửa già rồi. Em vẫn còn cái nét đẹp cùng với ánh mắt muộn phiền và có vẻ bất cần đời. Cầm tay nhau mừng rỡ vì gặp lại người năm xưa,ôi cái bàn tay mà khi xưa mỗi lần nắm lấy là tôi lại thấy hân hoan rung động trong lòng , nhưng cũng vẫn cái bàn tay ấy bây giờ sao lại thô ráp vì bươn chải , và cũng chẳng còn cái cảm giác gì nữa.

           Gặp nhau tôi chỉ nói với em có một câu : tại khi xưa em mơ cao quá nên chúng mình không đến với nhau được . Em nói rằng em muốn tìm cho mình một con đường để giúp gia đình với một đám em nheo nhóc mà thôi. Tôi chợt nhớ tới bài Quán Bên Đường của nhạc sỹ Phạm Duy :
        
                 “ Gặp nhau ,lặng lẽ nhìn nhau
                    Nào có ai đánh mà sao lòng đau
                             …………………….
                     Thì xin một nụ cười thôi
                     Cười ư ? anh đã vội quên từ lâu
                     Thì xin một giọt lệ thôi
                     Lệ em giờ đã cạn khô người ơi “

              Cũng muốn nói với nhau nhiều lắm , nhưng chung quanh là không khí tang tóc , thầy đang nằm kia mà hai đứa cứ ôn mãi chuyện yêu đương khi xưa thì coi bộ không hợp tình hợp cảnh lắm. Với lại nhà chật,chỉ có 2 cái bàn để tiếp khách đến phúng điếu , nên anh em đến chào Cô rồi ra về.

              Thầy ơi , đáng lẽ ra với cái tuổi của thầy phải là một cuộc sống viên mãn cùng với con cái thành đạt , và vui cùng với con cháu giống như những Thầy Cô cùng đồng nghiệp với thầy. Nhưng sao số phận của thầy lại nghiệt ngã trước cuộc đời như thế  , đến cuối đời rồi mà thầy cũng không có một mái nhà ,hay một mảnh đất để nương thân lúc ốm đau,mà phải thuê nhà để sống một cuộc sống tạm bợ như thế. Con vẫn biết rằng mỗi người có một số phận ,một phần số cho riêng mình , nhưng sao số phận của thầy lại quá bi đát như thế. Thầy tên Nhàn ,nhưng cuộc đời của thầy có được nhàn nhã gì đâu , vẫn bươn chải để nuôi bầy con đông nheo nhóc. Ngày xưa thầy còn đi dạy ở taberd thì cuộc sống thầy chắc cũng không đến nỗi nào,nhưng rồi thời cuộc đã đổi thay kéo theo bao nhiêu số phận con người cũng thay đổi theo nó.

             Thầy với một gánh nặng gia đình trong một cuộc sống đầy khó khăn vào lúc đó , và với một tâm hồn nghệ sĩ thì việc thay đổi một nếp sống mới hoàn toàn xa lạ thì thầy cũng rơi vào tâm trạng của một người bất đắc chí , chúng con cũng có một thời gian rơi vào trạng thái ấy , vừa hoang mang vừa sợ hãi không biết tương lai rồi sẽ đi về đâu ?mọi chuyện đều đảo lộn và dở dang. Nhưng tụi con còn trẻ nên cũng dễ dàng vượt qua , còn thầy thì chắc cũng sẽ khó khăn lắm thầy mới thoát ra được.

         Thầy nằm đó , bỏ lại sau lưng những bệnh tật ,lo toan của gia đình , kể cả cuộc sống vô nghĩa này vì thầy có còn nhận biết gì được mọi chuyện ở chung quanh đâu. Ngay cả khi thầy đã ra đi vậy mà những phiền toái vẫn chưa hết. Theo lời Quới kể thì , gia đình thầy dự tính sáng Chúa Nhật 05/5/2013 sẽ đưa linh cửu của thầy ra nhà thờ làm lễ rồi sau đó đem đi hỏa táng , nhưng kẹt một điều là nhà thờ vì bận làm lễ cho ngày Chúa Nhật nên không làm lễ cho đám tang được , thế là phải chờ tới sáng thứ 2. Việc có đám ma để ở căn nhà thuê thì ông chủ nhà là người theo đạo Phật , nên ông ấy tin dị đoan sợ rằng đó là điềm xấu , ông ấy thuê một ông thầy cúng từ tận ngoài Bắc vào để cúng kiến nhằm xua đuổi điềm xấu vào ngày thứ hai , tất cả những chi phí đi lại từ Bắc vào Nam thì ông ấy bắt gia đình thầy phải chịu . Cho nên việc đám tang dời sang ngày thứ hai làm ông chủ nhà không bằng lòng , ông còn nói nếu gia đình thầy để thứ hai mới đem quan tài đi thì ông ấy sẽ lấy lại nhà. Cho tới nay con cũng không biết chuyện được giải quyết ra sao nữa. Đúng là họa vô đơn chí.

            Con viết cho thầy để tưởng nhớ tới hương hồn thầy đang về nơi nước Chúa , để nhớ về một người thầy thuở ấu thơ của con và cũng để cho con được nhẹ lòng khi nhớ đến thầy . Người mà nếu khi xưa con có duyên nợ với con gái thầy ,thì con đã được gọi thầy bằng tiếng : Papa – Người Cha Yêu Dấu rồi. Thầy ơi , xin vĩnh biệt thầy.

        Vũ Văn Chính , Sài Gòn chiều hạ vàng tháng 5/2013

# 5837
  31 tháng 05, 2013 15:11  Dũng viết,  
" thầy đang nằm kia mà hai đứa cứ ôn mãi chuyện yêu đương khi xưa thì coi bộ không hợp tình hợp cảnh lắm".

Bài viết của Chính về thầy, mà tôi bàn chuyện văn chương ở đây thì  đúng là "coi bộ không hợp tình hợp cảnh lắm".   

Nhưng cũng xứng đáng múa bút chia xẻ cảm nghĩ.

Nó làm tôi liên tưởng tới chuyện Kiếp người của W. Somerset Maugham (Of Human Bondage, http://en.wikipedia.org/wiki/Of_Human_Bondage) dịch thuật bởi Nguyễn Hiến Lê.  Tôi sống ở VN từ 1975 tới 1980 hay 81 gì đó, và trải qua những gì Chính viết. Mọi sự ngoài tầm tay kiểm soát của mình, của gia đình mình, của xã hội xung quanh mình.  Không phải là cảm giác mà là một sự hiện hữu bao trùm của trơ trọi, của bất lực, của tiếng kêu im lặng (a silent cry).  Không phải mình không thấy vấn đề, không muốn giúp, mà là không thể nào giúp được, có chết cũng giúp không được.

Chú ruột tôi, là "giáo  sư" Việt Văn và Quản trị ở trường sư phạm Qui Nhơn trước 1975, mất việc, trở thành phu móc cống, đạp xích lô (tôi và ông chung tiền mua 1 chiếc xích lô, tôi cũng đạp tới ngày vượt biên). Sức yếu, ông bỏ đạp xích lô rồi từ đó cứ cà lơ phất phơ đầu đường xó chợ tới khi con gái lấy được một Việt Kiều mới dễ thở một chút. Nhưng cuộc hôn nhân của ông bị tổn thương trầm trọng sau những năm khốn khó, làm cả 2 vợ chồng vẫn sống chung (vì không thể ở riêng khi đã qúa nghèo khó) nhưng không nói chuyện cả chục năm nay. Ông nhiều lần tự tử nhưng không chết, kể cả dùng dao mổ bụng - mới năm ngoái!

Vì vậy bài viết của Chính  không chỉ vẽ một kiếp người, mà là nhiều kiếp người.

Cùng thời gian ấy, tôi đọc báo, được biết nhiều người nước ngoài mơ ước "sau một đêm ngủ dậy được trở thành người Việt Nam"