Tuy tiểu thuyêt của Hồ Biểu Chánh có nhiều thể loại khác nhau, từ ái tình đến phiêu lưu, từ lịch sử đến xã hội, nhưng tất cả các tiểu thuyết trên đều hướng về hai chủ đích chính; phác họa xã hội và quảng bá đạo lý.
Ðược đi nhiều nơi và có dịp tiếp xúc nhiều với nhiểu hạng người, Hồ Biểu Chánh có một kiến thức phong phú về xã hội miền Nam qua tất cả các hạng người, từ giới giàu có đến giới cùng đinh, từ người lưu manh đến kẻ lương thiện, ở nông thôn cũng như ở thành phố. Ông xây dựng tiểu thuyết của ông với các hạng người trên trong một đất nước Nam Kỳ thuở giao thời giữa hai nền văn hoá cũ và mới . Nói chung, ờ nông thôn cũng như ở thành thị, tiểu thuyết của ông là tiểu thuyết của 2 thế giới quyền thế và bị trị, đối tác nhau trong một xã hội Nho học đang bị dao động dữ dội trong một nền văn hóa Tây phương.
Bên cạnh giới địền chủ, là các hương chức trong ban hội tề. Độc giả lần lượt nhận thấy chân dung và hành động của 12 chức sắc trong ban hội tề với tất cả bản chất thiện và ác. (Ban Hội tề theo sắc lệnh năm 1927 có 12 chức vụ là : hương cả, hương chủ, hương sư, hương trưởng, hương chánh, hương giáo, hương thân, hương hào, hương bộ, hương quản, xã trưởng, chánh lục bộ)
- Về giới nghèo khổ ở nông thôn, HBC đặc biệt chú tâm đến giới tá điền, làm lụng vất vả quanh năm mà luôn bị nợ nần, áp bức bởi giới điền chủ, bọn cường hào ác bá.
Trong, Con nhà nghèo, Cai Tuần Bưởi, sau khi dầm mưa dãi nắng suốt năm, gặt lúa được 320 giạ thị phải nôp lúa ruộng cho chủ điền hết 300 giạ « thế thì cực nhọc trót một năm trường dang nắng cầm cày, dầm mưa nhổ mạ, chỉ còn có 20 giạ mà thôi. Mà trong đó còn phải đong lúa mướn trâu, còn phải trả tiền công cấy, thì còn dư nỗi gì »
Trong Ngọn cỏ gió đùa, Lê Văn Đó vì quá nghèo đói phải liều thân đi ăn trộm nồi cháo heo để cứu đói cho mẹ già và đàn cháu nhỏ để bị bắt và phải nhận hình phạt 5 năm tù. Vượt nguc bị bắt lại, Lê Văn Đó bị kêu án 20 năm chỉ vì nồi cám cho heo ăn.
- Ở thành thị:
Đời sống nghèo khổ của giới lao động , làm thuê làm mướn kiếm cơm từng ngày một, cuộc sống không ngày mai, chui rúc trong các ngôi nhà xiêu vẹo, trong các ngõ hẽm tăm tối, thiếu ăn, đã được HBC đề cập đến trong nhiều tác phẩm, đặc biệt trong Lạc Đường.
Trong Lạc Đường, Hai Cư vác hàng ở bến tàu bì thùng hàng đè, nhưng chỉ được đưa vô nhà thương thí, cặp rằng Mậu vì túng thiếu phải đi ăn cướp để rồi vô tù. Giới gái điếm (gái ăn sương) và bọn trẻ bán báo cũng là hai hạng người được Hồ Biểu Chánh đưa vào tiểu thuyết.
Ngoài ra, ông còn đề cập đến giới thông ngôn ký lục, giới thượng lưu, trưởng giả những kẻ nịnh bợ Tây, sợ sệt quan trên, bắt nạt dân lành, ăn chơi trác táng, trọng tiền tài danh lợi , xem nhẹ nhân nghĩa ( Nợ đời, Cười gượng)
Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh không chỉ mô tả thực trạng xã hội mà còn đề cập đến những phong tục làm nền cho xã hội Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX . Là một trí thức tân học nhưng thấm nhuần Nho giáo, Hồ Biểu Chánh có tư tưởng dung hoà cũ và mới, trái với lập trường của Tự Lực Văn Đoàn là đoạn tuyệt với cái cũ. Theo ông cái cũ và cái mới đều có hay dở riêng, điều cần thiết là phải biết chọn lọc những cái hay, cái đẹp của cũ và mới để áp dụng trong cuộc sống cho hài hòa,
Trong hôn nhân, ông đã đề cập đến những khía cạnh tiêu cực của những hủ tục như cưỡng bách hôn nhân (Ai làm được, Lời thề trước miểu), vụ lợi trong hôn nhân (Nhân tình ấm lạnh, Tỉnh mộng,Thầy thông ngôn), tự do hôn nhân (Cười gượng), tiền dâm hậu thú, (Ai làm được, Chút phận linh đinh) môn đăng hộ đối (Sống thác với tình), tục nôm vợ ( con nhà giàu lỡ chửa hoang thì thuê một chàng trai cưới để bảo vệ danh giá như trong Tỉnh Mộng ), sinh con trai nối dõi (Nợ đời).
Ngoài ra, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh còn đề cập đến hiện tượng tranh giành gia tài (Nhân tình ấm lạnh), mẹ ghẻ cha ghẻ (Mẹ ghẻ con ghẻ, Ai làm được) mê tín dị đoan, cảnh cưỡng hiếp, ngoại tình (Chúa tàu Kim quy, Thầy thông ngôn, Cha con nghĩa nặng). Ðặc biệt, án mạng thường xuất hiện trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh (Khóc thầm, Thầy thông ngôn, Cha con nghĩa nặng.)