Taberd.org Help Hướng dẩn    
 
To friends
Đề mục: Văn thơ
Chủ đề: 
Chương VI - LaSan Taberd , Mùa Hè Vĩnh Biệt ( 2 )
  PreviousNext
# 4725
  04 tháng 08, 2012 20:25  Vũ Văn Chính viết


           Và rồi ngày hội lớn 17/2/74 đã đến và đây cũng là ngày lễ đại hội Phụ Huynh Học Sinh được tổ chức hàng năm.Ngoài những nhân vật cao cấp trong chính quyền như Bộ Trưởng VHGD Ngô Khắc Tỉnh,Chủ Tịch TV Nguyễn Văn Huyền,còn có các đại diện Dòng Lasan từ Thủ Đức,Mỹ Tho,Nha Trang…cùng với các trường bạn ở Sài Gòn như :Gia Long,Trưng Vương,Chí Thiện,Régina Pacis,Saint Paul,Thiên phước..

            Mở đầu buổi lễ là bài phát biểu chúc mừng của Sư Huynh Tổng Quyền Dòng Lasan.Sau là đến phần phát biểu của frère Hiệu Trưởng Félicien Huỳnh Công Lương,sau các nghi thức là phần diễu hành các lớp của học sinh Taberd,đi ngang qua dãy khán đài được lập phía cuối sân trường,trước cổng sau đường Gia Long.Nhìn các bạn cũ với trang phục nghiêm trang và đứng đắn ,áo cài măng –sét đeo cà vạt nhìn rất trang trọng,lòng tôi buồn một nỗi buồn khôn nguôi,đáng lẽ ra giờ này tôi cũng đã được đứng trong hàng ngũ đó.
                      
         Sau những nghi thức diễu hành là đến phần trao các giải thưởng các môn tranh tài thể thao,rồi đến các tiết mục biểu diễn chương trình thể dục đồng diễn của các trường.Nào là tiết mục nhào lộn,uốn dẻo,xếp hình của các lớp tiểu học Taberd và các trường bạn,rồi nối tiếp là thể dục đồng diễn ,diễn tập thể dục quân sự học đường…và cuối cùng là tiết mục rất quen thuộc là xếp hình kim tự tháp bằng người.
                      
           Cuối cùng là cái tiết mục đặc sắc nhất mà các ông anh lớn Taberd ,thường hay đứng ngồi không yên và háo hức trông chờ đã đến,đó là điệu nhảy Dân Vũ giữa các anh đẹp trai Taberd và những nàng duyên dáng Thiên Phước,mà chỉ có vài lớp 11 và tất cả lớp 12 mới được tham dự.Có thể nói đây cũng là ý tưởng của các frère và các soeur của hai trường,một toàn nam và một toàn nữ muốn làm một nhịp cầu nối học sinh giữa hai trường,tạo điều kiện cho các học sinh ấy quen nhau,vì tất cả cũng đang học lớp cuối cùng của con đường học vấn.

           Một sự sắp xếp có chủ đích và sự kết hợp tuyệt vời của ban Hiệu Trưởng hai trường ,một bên là trường Dòng một bên là trường Masoeur.Trường Thiên Phước lâu nay cũng được xem là trường thân thiết và bồ bịch nhất của Taberd,với trang phục đi học là tà áo dài mầu hồng thướt tha và duyên dáng,luôn luôn được các anh lớn Taberd dòm ngó một cách kín đáo,vì nói chung các anh cũng nhát gái kinh khủng.Trong thời gian này cái bản nhạc “Em hiền như Masoeur “rất hay và lãng mạn: Em hiền như Masoeur ,vết thương ta bốn mùa,trái tim ta bệnh hoạn,Masoeur này Masoeur..

         Đưa em về dưới mưa,hỡi cô em bé nhỏ,ôi duyên tình đã qua,có bao giờ không xưa.
         Vai em tròn dưới mưa,ướt bao nhiêu cũng vừa,như u tình đã xa,thấm linh hồn Masoeur..

 rất được ưa chuộng của các anh Taberd đầy mộng mơ,các soeur trẻ không hiểu có rung động gì không? ,nhưng các Soeur già thì lắc đầu thì thầm : “ Viết lung tung và bậy bạ quá nghe”.Cũng như bản “Vì Tôi là Linh Mục” nghe rất hay: Vì tôi là Linh Mục,không mặc chiếc áo dòng,nên suốt đời quạnh hiu,nên suốt đời lang thang”,tất cả được các ông hay rên rỉ và rống lên trong cơn hưng phấn,tôi cũng nghe đồn rằng các frère trẻ cũng rất thích hai bản nhạc này. 

        Thế rồi trong tiếng nhạc dập dìu ,từng anh trai Taberd tiến ra nắm lấy bàn tay nhỏ bé của em Thiên phước,cùng dìu nhau ra sân và nhảy theo tiếng nhạc,có biết bao nhiêu cặp mắt trên sân trường ngày đó ,nhìn theo thèm thuồng hay bao nhiêu cái chép miệng tiếc nuối vì không được chọn,để được bước lên kia và dìu em theo từng bước chân tha thướt.

         Và tôi cũng không biết trong những lúc tập dượt, cho điệu nhảy Dân Vũ  vào những buổi chiều tại sân trường ,hay sau buổi lễ kết thúc ấy có bao nhiêu mối tình giữa Anh Taberd và Em Thiên Phước,được đơm hoa kết trái.Tôi có ông anh ruột cũng may mắn tham gia điệu nhảy này,ổng có cua được em gái nào không thì ổng không trả lời,mặc dù ổng cũng đẹp trai không kém tài tử Alain Delon.Ông anh năm nay cũng tốt nghiệp Tú Tài (lớp 12),được frère Felicien Huỳnh Công Lương trao chiếc nhẫn lưu niệm,đó là chiếc nhẫn được làm từ vàng 10 cara (loại vàng có giá trị làm đồ lưu niệm),trên mặt có đính một viên đá ngọc,cùng với một tấm bảng được khắc tên và ngày tốt nghiệp,cũng như sau này ổng lập gia đình và người vợ dĩ nhiên không phải là một nàng Thiên Phước như ngày ấy.

          Thế đấy,điệu nhảy Dân Vũ cũng kết thúc buổi lễ mừng Taberd 100 tuổi của mình như thế đó.Thật hoành tráng và thật đẹp ,một con số tròn trĩnh thật đẹp và cũng không ai ngờ ,từ nay về mãi mãi sau, này Taberd cũng không còn thêm được những con số tròn trĩnh nào nữa trong cuộc đời của mình,một sự nghiệp đào tạo con người cho thế hệ mai sau.

           Niên Khóa 74-75 là niên khóa cuối của Taberd trước cột mốc 30-4-75,bởi vì đất nước đang trong thời kì cuối của cuộc chiến tranh tương tàn,thanh niên tụi tôi đang sống trong bầu không khí lo sợ cho một tương lai không mấy sáng sủa,những ai sinh năm 57 thì đến tháng 4/75 phải lên đường nhập ngũ,còn ai sinh năm 58 thì tới tháng 7/75 mới trình diện.Lúc này tụi tôi mới 17,18 tuổi ,cho nên trong cái không khí ngột ngạt của chiến tranh,tôi cũng bớt ưu tư khi nghĩ về đến ngôi trường cũ,cho đến khi hai trái bom được thả vào Dinh Độc Lập,và tất cả học sinh được nghỉ học ở nhà,và chỉ vài ngày sau một biến cố chính trị lớn đã làm thay đổi biết bao nhiêu số phận của nhiều con người,cũng như vận mệnh của cả một đất nước.

           Đó là ngày 30-4-1975 ,Sài Gòn hoàn toàn thất thủ.

           Lasan Taberd cùng với những tên tuổi các trường bạn khác thân thiết ngày nào,tất cả như đã rơi vào một miền quá khứ xa xăm nào khác ,thôi đã hết tiếng cười rộn ràng,những gương mặt quen thuộc của bạn bè,còn đâu một thời áo trắng trên sân trường thật đẹp.

           Và rồi cũng như hai ông anh đại thụ là Trường Bưởi Chu Văn An dưới thời Pháp thuộc của năm 1954,Trường Quốc Học ở Huế của cuối thời Nguyễn ,một vị Vua cuối cùng tại Việt Nam.Taberd cùng với hai ông anh vĩnh viễn là chứng nhân của hai thời đại,và đã đi vào lịch sử mãi mãi của nền Giáo Dục cận đại Việt Nam ,là huyền thoại của các thế hệ con cháu chúng tôi sau này .

           Trong những lời thì thầm vang nhẹ trong gió vào những buổi chiều vàng của cuộc đời ,cho tôi được gọi : Lasan Taberd,Mùa Hè Vĩnh Biệt. 
  
                                       Vũ Văn Chính , Mùa Hè 2012.