# 4199
31 tháng 03, 2012 22:14 Nguyễn Quốc Bảo viết
NHỮNG CÁI VỖ TAY VÔ THANH
Một tin tức gây sửng sốt cho các Kitô hữu tại Việt-Nam cũng như ở hải ngoại qua bài “BA MƯƠI NĂM CHO MỘT GIẤC MƠ” đăng trên Ephata số 110. Bài đó viết về giấc mơ của một Phật tử - bác sĩ Nguyễn Viết Chung - người mà trước đây rất cảm mến cuộc đời hy sinh của Đức Cha Jean Cassaigne, vi giám mục người Pháp đã gởi nắm xương tàn ở trại cùi Di Linh. Bác sĩ đã ôm ấp một giấc mơ từ ba mươi năm nay là được phục vụ các người xấu số như Đức Cha Jean Cassaigne.
Sau khi tốt nghiệp y khoa vào năm 1980, bác sĩ Nguyên Viết Chung đã tình nguyện phục vụ ở các trại phong cùi và tại đây bác sĩ Chung đã chứng kiến sự tận tụy hy sinh của các nữ tu nghĩa tử dòng Thánh Vinh-Sơn nên đã quyết định theo đạo Công giáo vào tháng 5 năm 1994 với tên thánh Augustinô. Vào tháng 8 năm đó, bác sĩ Chung xin vào tu dòng Thánh Vinh-Sơn và đã nhận lãnh thánh chức linh mục ngày 25 tháng 3 năm nay để có thể tận hiến đời mình một cách trọn vẹn hầu phục vụ các bệnh nhân phong cùi và liệt kháng.
Vì xúc động bởi mẩu tin đó, tôi đã nhờ người bạn thân ở Saigon liên lạc để kiếm giùm cuốn video Thánh lễ phong chức của cha Augustinô Nguyễn Viết Chung. Gần đây tôi đã được toại nguyện khi một linh mục trẻ về thăm Việt-Nam và vừa trở lại Canada đã mang sang cuốn video đó cho tôi. Được xem lại Thánh lể trang nghiêm và sốt mến mà trong đó một bác sĩ - trước kia là Phật tử - nay trong phẩm phục phó tế, đang hiên ngang tiến vào thánh đường họ đạo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Saigon và đã nằm phủ phục trước bàn thờ để nhân lãnh thánh chức linh mục.
Càng cảm động hơn nữa khi tôi được xem cuốn video thứ hai trình bày những hoạt động phục vụ của cha Chung ở tại các trại phong cùi và bệnh liệt kháng. Một quang cảnh đã gây ấn tượng mạnh nơi tôi là khi thấy cha Chung sau khi thăm viếng khám bệnh các bệnh nhân phong cùi xong thì đã đứng vòng quanh với các bệnh nhân đó mà có người đứng, người ngồi hay nằm trên giường hoặc giữa sàn nhà, vừa hát vừa vỗ tay… Thật đau xót khi thấy vài bệnh nhân mà đôi bàn tay không còn một ngón hay chỉ còn một vài nửa ngón mà cũng ráng vỗ tay theo nhịp điệu bài hát!
Trong những sách thiền có đề cập đến công án về “tiếng vỗ của một bàn tay” khiến người Tây phương khi nghiên cứu phải điên đầu về ý nghĩa của công án đó. Thông thường tiếng vỗ chỉ phát ra khi hai bàn tay chạm nhanh và chạm mạnh vào nhau, Cứ suy lý đó thi với một bàn tay không thể nào gây nên tiếng vỗ tay được.
Theo thường tình, phải có môi trường (tức không khí...) thì mới có âm thanh, và chỉ có những rung động hay đột xuất làm thay đổi áp suất của môi trường mới cho chúng ta âm thanh. Vậy một tay đập mạnh trong không khí sẽ cho chúng ta tiếng cọ xát (tức gió), nhưng nếu nhanh hơn vận tốc âm thanh sẽ cho chúng ta tiếng nổ siêu thanh Từ tiếng kêu của vô thanh tới tiếng nổ của siêu thanh đều có thể thực hiện được.
Như vậy không có tiếng vỗ của một bàn tay. Thế nhưng, mục đích của công án đó là để giúp chúng ta tìm sự thinh lặng của vũ trụ, đồng thời cho chúng ta thấy những giới hạn của con người trong những vòng lẩn quẩn của lý luận và của trí thức. Chúng ta phải cảm nghiệm được sự im lặng tuyệt đối hiện hữu trước chúng ta và sau khi chúng ta thôi hiện hữu.
Và như vậy, dưới nhãn quan của thiền gia, người nào nhận ra được chân lý đó sẽ có cơ hội gạt bỏ hết các tạp niệm để hoà mình với vũ trụ, làm một với vũ trụ, trở nên một phần tử cùng hiện hữu với vũ tru. Chỉ có thế chúng ta mới thấy mình và tha nhân là một. Do đó khi mình vượt lên trên mọi đối đãi, thị phi thì mình sẽ tìm về với tuyệt đối, chân như.
Vậy tiếng vỗ “vô thanh” của hai bàn tay mà năm ngón đã rơi rụng hết đã tạo thành những tiếng nỗ siêu thanh xuyên phá quả tim con người! Tiếng nỗ siêu thanh đó đã xuyên thấu con tim của một bác sĩ trẻ tuổi, khôi ngô tuấn tú khiến bác sĩ tỉnh ngộ mà tận hiến đời mình cho những con người xấu số đang mang lấy trong thân xác khổ đau của họ những thiếu sót trong thân thể khổ nạn của Đức Kitô.
Trước đây Phi-la-tô đã trình diện cho dân Do-Thái một Đức Kitô với thương tích đầy mình cùng chiếc mũ gai trên đầu rồi nói: “Nầy là người!” (Ecce homo). Qua cuôn video đó những vết thương đau của Đức Kitô đang hiển hiện qua các thân thể đớn đau của những người phong cùi và liệt kháng cũng được trình diện cho những người dự khán. Ngày xưa khi nói về Đức Kitô khổ nạn trên thập giá, tác giả Thánh vịnh đã viết: “Hởi người bộ hành, hãy đứng lại nhìn xem, có đau khổ nào lớn hơn nỗi đau đớn mà tôi đang chịu đây chăng!” Nỗi đau đớn của Đức Kitô còn đang tiếp nối trong những thân thể bị tàn phá bởi chứng phong cùi hay bệnh liệt kháng. Những tiếng vỗ của một bàn tay vì bàn tay kia đã cùn cụt hay tiếng vỗ của đôi bàn tay mà năm ngón đã rơi rụng hết có cảm động tâm can chúng ta như đã cảm động cậu Nguyễn Viết Chung ba mươi năm về trước không?
Cùng với Lm. Nguyễn Công Đoan, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta được thực hiện trong đời sống mình những tâm tưởng sau đây để hàn gắn phần nào những thương đau của những con người xấu số, những phần thân thể còn đang bị thương tổn của Đức Kitô:
Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa
Làm chân tay cho những người què cụt,
Làm đôi mắt cho ai phải đui mù,
Làm lỗ tai cho những người bị điếc,
Làm miệng lưỡi cho những người không nói được,
Làm tiếng kêu cho người chịu bất công…
(Trích bài thơ “Như Một Sự Tình Cờ”)
Tác giả: Đỗ Tân Hưng