# 8191
25 tháng 10, 2015 22:46 To Be viết,
Người Trung Hoa có nhiều cái đáng ghét cũng như đáng nể. Nguyễn Hồi Thủ dịch cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” từ “Xú lậu đích Trung Quốc Nhân” của Bá Dương nói về cái xấu của người Trung Hoa. Và cuốn sách này đóng góp làm lợi cho Trung Quốc hơn là những lời tự tán dương mình.
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n1n2nnn31n343tq83a3q3m3237nvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1
Đáng ghét thì dân tộc nào cũng có đáng ghét riêng. Trước khi bàn về đáng ghét, hãy nêu một cái đáng nể của người Trung Quốc để học hỏi: Học tiếng Trung Hoa. Tôi vô cùng nể khi thấy đa số bạn gốc Hoa của tôi, ở VN, ở Pháp, ở Mỹ ..., dù thành phần xã hội cao hay thấp đều học và biết ít nhiều tiếng Trung Quốc, cái này người Việt gốc Việt phải bắt chước.
Nhận ra được điểm yếu kém của dân mình và nêu nó ra không phải là chuyện dễ dàng, nêu ra là đụng chạm, là rờ mông chính mình mà ... ngửi, là cơ hội bị chửi, hay chọc quê, chế riễu! Nên dĩ hoà vi quí, làm lơ, ngu si hưởng thái bình, tuyệt học vô ưu cho chắc ăn.
Dẫu vậy muốn làm người lớn, muốn thành con bướm, con sâu phải oằn mình để thoát xác.
Alain Peyrefitte viết cuốn Le Mal Francais (https://fr.wikipedia.org/wiki/Le_Mal_fran%C3%A7ais), Nguyễn Gia Kiểng viết Tổ Quốc Ăn Năn (http://ethongluan.org/index.php?option=com_docman&task=cat_view&Itemid=&gid=61&orderby=dmdatecounter&ascdesc=DESC), sách của ông Kiểng có nhiều điều thái quá, nhưng cũng nêu ra nhiều điều đáng suy ngẫm.
Đồng ý hay không với các tác giả trên, với công tâm, độc giả vẫn thấy đây là suy nghĩ từ những cái đầu con người biết nghĩ, không phải một cái đầu cừu trong một đàn cừu sống theo bầy đàn.
Làm người ngoại quốc trên quê hương mình, mang tên lạ trên xứ mình, quê hương mình là điều đáng suy ngẫm, nó là dấu ấn của một thương tích.
Hội nhập vào xứ người để sống, để tồn tại , và gìn giữ bản sắc văn hoá trong một chừng mực nào đó cũng là điêù gay go, một thách thức, và đáng suy ngẫm, là câu hỏi cần thiết cho những người sống không phải chỉ để ăn, để thở, sau khi qua cơn khốn khó lúc ban đầu.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về sự lưu vong của cộng đồng Tây Tạng có 2 mặt, trong đó mặt tích cực rất xuất sắc, mở ra, trao đổi với Tây Phương về những giá trị Phật Giáo, đặc biệt là Phật Giáo Tây Tạng (Phật Giáo Tây Tạng do điều kiện địa lý đặc biệt của nó, trên núi cao, giữa 2 khối Ấn Độ và Trung Hoa đã phát triển thành 1 nhánh rất đặc sắc - Kim Cương thừa, Mật Tông, khác với Đại Thừa Trung Hoa, nơi Phật Giao giao thoa cùng Lão và Khổng).
Mỗi va chạm có thể là cơ may hay vận rủi tuỳ thuộc rất nhiều vào cái nhìn.
Thế giới biến chuyển quá nhanh, con người chưa bao giờ gần nhau như bây giờ, và những xung đột gay gắt về tôn giáo, văn hoá vẫn là những vấn đề, vấn nạn thời sự. Căn cước văn hoá của những người VN lưu vong, của những Brian, Peter, Jean-Luc, Danny ... của thế hệ 1, 2, 3 ... ra sao là chuyện nghe qua rồi bỏ, rồi chế riễu, cười cợt, hay ngẫm nghĩ.... là lựa chọn văn hoá của một cá nhân hay của một cộng đồng. Lựa chọn nào cũng có hệ quả của nó, ít hay nhiều.