08 tháng 03, 2013 23:25 Nguyễn Quốc Bảo viết:
Hôn-Nhân của Dân Việt
Theo phong-tục Việt, cái gốc của gia-đình gọi là hôn-nhân. Có hôn-nhân mới có vợ chồng và con cái. Mục-đích của hôn-nhân là để duy-trì gia-thống nên việc lập gia-đình là việc quan trọng của đại gia-đình. Việc lấy vợ lấy chồng gọi là hôn-nhân, cưới xin, hôn-thú, hôn-thư, hay giá-thú. Trên các giấy tờ chứng-nhận, người Việt thường dùng chữ “giá-thú.” “Giá” là lấy chồng, “thú” là lấy vợ. Còn hôn-thú chỉ có nghĩa là lấy vợ thôi.
“Hôn” có nghĩa là bố mẹ nàng dâu, “Nhân” có nghĩa là bố mẹ chàng rể. Nghĩa tổng-quát của từ “hôn-nhân” là cưới xin (marriage). Theo truyền-thống dân Việt, cha mẹ thường lo cho con đầy-đủ mọi thứ kể cả việc kén vợ kén chồng cho con. Chính vì thế, việc hỏi vợ và gả chồng là bổn-phận của cha mẹ như đã trình-bày trong các câu tục-ngữ sau đây: “Trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng, cha mẹ đặt đâu ngồi đấy.” Vì muốn gia-đình xứng-hợp, tức là “môn đăng (đang, đương) hộ đối,” nên đã có trường hợp ngay khi những đứa trẻ còn là bào-thai trong bung mẹ, đôi bên cha mẹ đã đính-ước với nhau rằng nếu về sau một bên sinh con trai và một bên sinh con gái thì sẽ gả con cho nhau. Ngoài vấn đề hai gia đình phải có “môn đăng hộ đối”(gia đình hai bên xứng đáng với nhau), trai gái còn phải tốt-nghiệp trường cao-đẳng thì mới thành vợ thành chồng vì “Phi cao-đẳng bất thành phu phụ.”
Ở Việt-Nam trước đây, con trai mười sáu tuổi và con gái mười ba tuổi đã bắt đầu có thể lấy vợ lấy chồng vì vào lứa tuổi đó, trai gái đã hiểu sự đời, bắt đầu có tinh- khí, và biết giao-cấu . Chính vì thế mà người Việt ta có câu tục-ngữ là “nữ thập tam, nam thập lục.” Ở Bắc Mỹ này, trai 21 tuổi và gái 18 thì được quyền tự do lấy nhau. Nếu gái 16 tuổi và trai 18 tuổi mà muốn lấy nhau thì phải được phép của cha mẹ.
Từ ngàn xưa, ở Việt-Nam chúng ta, tuy rằng việc dựng vợ gả chồng là quyền của cha mẹ, nhưng cha mẹ vẫn hỏi ý-kiến con cái trước khi quyết-định và việc thuận-tình của con cái ít khi bị cha mẹ cản-trở. Vì cha mẹ hết lòng thương yêu và lo cho con cái nên con cái đã hết sức vâng lời cha mẹ và cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Ngày nay, các bậc cha mẹ chỉ đóng vai-trò cố-vấn và thực-hiện cưới-xin khi con cái đã đến tuổi hiểu biết trong việc kén chọn nhau.
Theo truyền-thống dân Việt, việc kén vợ kén chồng rất quan-trọng. Sau đây là các phong-tục mà những gia-đình người Việt đã từng áp-dụng để kén vợ kén chồng cho con: lấy vợ xem tông, lấy chồng kén giống, kén con ông cháu cha, và kén gia đình có luân-lý đạo-đức. Kén vợ cho con, các bậc cha mẹ chú-trọng đến đức-hạnh hơn là nhan-sắc vì “cái nết đánh chết cái đẹp.” Thêm vào đó, các bậc cha mẹ còn phải xem trai gái có hợp tuổi với nhau không vì có hợp tuổi nhau thì mới hòa-thuận, làm ăn mới thịnh-vượng, và sinh con mới tốt lành. Trai gái không hợp tuổi nhau thì khi lấy nhau sẽ có rất nhiều điều đáng tiếc như hay gây sự với nhau, làm ăn hay bị thất-bại, con cái bị hư hỏng, và vợ chồng sẽ bị ly-thân rồi ly-dị. Trong sách tử-vi tướng-số có bốn nhóm tuổi mà mỗi nhóm gồm có 3 loại tuổi hợp nhau gọi là tam-hợp và có ba nhóm tuổi mà mỗi nhóm có bốn loại tuổi xung-khắc nhau gọi là tứ-hành-xung.
Bốn nhóm tuổi tam-hợp gồm có: “Thân, Tý, Thìn” hợp nhau ; “Tỵ Dậu, Sửu” hợp nhau; “Dần, Ngọ, Tuất” hợp nhau; và “Hợi, Mão Mùi” hợp nhau.
Ba nhóm tuổi tứ-hành-xung gốm có: “Tý, Ngọ, Mão, Dậu” xung-khắc nhau; “Thìn, Tuất, Sửu, Mùi” xung-khắc nhau; và “Dần, Thân, Tỵ, Hợi” xung-khắc nhau.
Chính vì thế, các bậc cha mẹ của hai gia-đình bao giờ cũng phải so đôi tuổi của cặp trai gái trước khi làm lễ đính-hôn, tức là Lễ Ăn-Hỏi.
Khi hai bên gia-đình nhà trai nhà gái ở xa nhau mà muốn hiểu rõ về tình-trạng mỗi gia-đình và tính-nết tài-năng và đức-hạnh của con trai và con gái, họ phải nhờ người làm mai-mối (Ông Mai Bà Mối) để giúp việc cưới-xin. Người làm mai-mối thường là người quen cả đôi bên gia-đình hoặc có liên-hệ gia-đình với một bên. Lời nói của mai-mối rất quan-trọng và có ảnh-hưởng mãnh-liệt để hai bên gia-đình hiểu rõ nhau hầu tiến tới việc quyết-định hôn-nhân cho con cái.
( Sưu Tầm )