05 tháng 10, 2012 23:42 Nguyễn Quốc Bảo viết:
Hồ Biểu Chánh là một nhà văn đạo lý
Tuy đa số tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là tiểu thuyết xã hội và phong tục, Hồ Biểu Chánh không phải là nhà phong tục học hay xã hội học. Ông viết tiểu thuyết xã hội, phong tục cốt là để quảng bá đạo lý. Quan niệm «văn dĩ tải đạo» đã được ông xác nhận trong tập ký ức « Đời của tôi về văn nghệ» như sau :
Viết tiểu thuyết để cảm hóa đặng lần lần dắt quần chúng trở về đường chánh đại quang minh hay như trong tiểu thuyết Bức thơ hối hận với cái tựa « Uống trà ngon nhắc chuyện cũ», ông viết : Phải viết đặng ghi cái hay cái dở của nhơn tình thế thái về khoảng đời trụy lạc mà để lại cho em cháu đời sau được biết chỗ thấp chỗ cao. Phải viết đặng chỉ đường vạch nẻo cho con cháu trong nhà ngó thấy…
Cùng rao giảng đạo lý như cụ Đồ Chiểu, nhưng ông theo một con đường khác với Nguyễn Đình Chiểu. Ông NĐC rao giảng đạo thánh hiền như một ông thầy dạy học trò, như một người cha dạy con, nói khác đi bằng áp đặt với những lý luận cao siêu,hiền triết. Hồ Biểu Chánh quảng bá đạo lý như một người kể chuyện, dùng những hệ lụy của cuộc đời, để người dân tự tìm cho mình một hướng đi, một thái độ. Tác dụng của cảm hóa thâm trầm, sâu sắc hơn và độc giả nhớ rất lâu câu chuyện qua cái ý hướng đạo lý mà Hồ Biểu Chánh muốn chuyên chở trong tác phẩm.
Kết Luận
Qua thân thế và sự nghiệp của nhà văn Hồ Biểu Chánh, đa số các nhà phê bình văn học cận đại đều xác nhận ông là một nhà văn lớn của miển Nam. Lẽ ra, phải nói đúng hơn là nhà văn lớn của Nam Kỳ, tên gọi vùng địa lý của thời Hồ Biểu Chánh, chứ không phải miển Nam của thời kỳ đất nước qua phân, nhưng bởi lẽ người VN đã sống qua những kỷ niệm lịch sử đau buồn, những danh từ như Nam Kỳ,Trung Kỳ, Bắc Kỳ có thể gợi lên những âm hưởng phân chia lạc điệu.
Và trong cái âm hưởng phân chia nầy, chúng tôi muốn nhắc lại đây lời tâm sự của GS
Nguyễn Văn Trung, nguyên Khoa Trưởng Đại học Văn KhoaSaigon.
Ông viết :
«Dạy văn học trên 20 năm ở miền Nam, nhưng mới chỉ đọc Hồ Biểu Chánh gần đây vì trước đây khinh chê, không thèm đọc »
Sau khi đọc xong, nhận thấy tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh thật cảm động, thật hay, thật hấp dẫn. Một người bạn lớn tuổi của ông đã thú nhận, với ông : « chả nhẽ tôi trên 60 tuổi rồi mà còn bị xúc động như muốn rơi nước mắt» . GS Trung đặt ra câu hỏi: «Tại sao một cuốn truyện sau hơn nửa thế kỷ, vẫn còn hấp dẫn, gây xúc động với người ở một địa phương khác với địa phương của tác giả. ? (Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX, nxb Văn nghệ TPCCM, 1999, tr. 677)
Ông Bùi Xuân Bào, nguyên Khoa Trưởng Trường Đại Học Sư Phạm Saigon, trong luận án tiến sĩ (luận án phụ) của ông tựa là Le roman vietnamien contemporain: tendances et évolution du roman vietnamien contemporain1925-1945 trình ở đại học Sorbonne năm 1961, ông cho rằng một kiệt tác (chef-d’oeuvre) là một tác phẩm hoặc được độc giả ưa thích lúc đương thời và mãi mãi về sau, hoặc được ưa thích tại địa phương của tác giả và cả các địa phương khác. Nói khác đi, một kiệt tác là một tác phẩm vượt thời gian và không gian.
Nhà biên khảo Thụy Khuê thì càng chính xác hơn cho rằng tác phẩm của Hồ Biểu Chánh có tính hiện đại, nghĩa là không bị lỗi thời vì nó gắn bó với hai yếu tố là đồng đại (synchronique) và lịch đại (diachronique), nói cách khác nó có bản chất vượt thời gian.
Hãy nghe lời ông Huyện hảm Tân nói với ông chủ quận trong tác phẩm Cư Kỉnh:
Hiện nay sự tồi tệ của mình nó tràn lan cùng hết, từ trong gia đình ra tới ngoài xã hội. Trong nhà trường, thì học trò không biết cung kính mang ơn thầy, mà cũng khổ, có nhiều thầy không biết kính trọng cái thiên chức giáo dục, coi môn đệ là kẻ nạp lương cho mình xài mà thôi. Trong gia đình thì vợ không biết kính trọng chồng, mà nhiều ông chồng cũng không biết thương yêu vợ; con không biết ơn sanh thành dưỡng dục, mà nhiều cha mẹ cũng không cần dạy dỗ con; anh không biết thương em, mà em cũng không biết kính trọng anh, còn xã hội thì quá lắm, mọi người đều đuổi theo một chủ nghĩa này: “Kiếm tiền cho nhiều đặng ăn xài cho ngỏa nguê sung sướng” kiếm tiền mà không ưa cần lao, dùng phương chước tốt xấu gì cũng được, miễn là được đồng tiền là thôi, không kể nhơn nghĩa, không kể liêm sỉ, không kể danh dự.
Dựa theo nhận định của GS Trung về hiện tượng bỏ quên (không được biết) và bỏ qua (biết nhưng vì đánh giá thấp nên không được xét đến) các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh cũng như quan điểm của GS Bào và nhà biên khảo Thụy Khê về bản chất vượt thời gian của của một tác phẩm, từ các nhận định trên, người viết xin được kết luận: Hồ Biểu Chánh là nhà văn lớn của miền Nam và của Việt Nam.
Lâm Văn Bé