| 27 tháng 05, 2012 23:09 Nguyễn Quốc Bảo viết:
Hà Nội xưa với những âm thanh Có mấy ai còn nhớ những âm thanh chợ búa và tiếng rao cộc lốc của những người bán hàng rong trên phố phường Hà Nội vào đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. “Ai kem một xu đi!” “Chè trân châu” “lát xê” (glacé) “Xệch cấu”!
Phan Nghị
Tiếng rao pha trộn cả ba thứ tiếng: Ta, Tàu, Tây. Nhưng “xệch cấu” là cái gì? Một thứ kem chanh trắng như tuyết xốp, ăn tới đâu mát rượi tới đó. Ra hỏi các ông Tàu Hàng Buồm người ta mới biết đó là từ ngữ thạch cao phát âm theo tiếng Quảng Đông. Còn món bánh cuốn hấp dẫn tại sao lại gọi là “lốc biểu”, thì người ta đành chịu thua, không hiểu nó xuất xứ từ một phương ngữ nào ở bên Tàu?
Ngay từ tinh mơ, người Hà Nội đã bị đánh thức bởi những tiếng rao ơi ới. “Lạp xường lồ mái phàn”. Những đĩa xôi nóng hổi với những lát lạp xưởng mỏng tang tưởng như gió thổi cũng bay. Phải có một đôi tay điêu luyện mới thực hiện được những nhát cắt siêu hạng như thế: mỏng nhưng miếng lạp xưởng không bị vỡ và hình thù của nó không bị lệch lạc.
Hình ảnh ông Tàu phở xưa ở Hà Nội
Hàng “Cà phê ô lê (au lait)” bánh Tây xuất hiện sớm nhất, khi thành phố hãy còn đỏ đèn. Còn tiếng rao buồn thảm nhất “Bánh dầy bánh gi...ò...ò” vỗ vào một không gian vắng lặng như báo cho mọi người biết rằng đêm đã về khuya. Nhưng cũng có những hàng quà chẳng bao giờ thèm cất tiếng rao. Như bún chả. Người đàn bà chít khăn mỏ quạ, ngồi ở một góc phố quạt phành phạch vào cái bếp than. Trong chốt lát, mùi thịt nướng tỏa ra thơm phức. Giờ ăn quà chiều của những người Hà Nội trung lưu. Hoặc như bún ốc. Với đôi quang gánh kĩu kịt trên vai, người phụ nữ buôn Tần bán Sở biết rõ nơi nào mình dừng lại. Hai món quà này bán theo từng mẹt. Bún cũng được cuốn lại thành từng lọn tròn như cái bánh dày Quán Gánh, để khi đưa vào miệng cùng với con ốc thì vừa gọn một miếng. Khi nào có khách tới ăn, người ta mới nhể ốc, chứ không nhể sẵn cả một rổ như thường thấy dạo sau này.
Trẻ em bán trầu cho cô gái đội nón quai thao |