23 tháng 04, 2012 22:38 Nguyễn Quốc Bảo viết:
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ lên đường... lại đi...
Nhà thơ Huyền Chi năm 18 tuổi - Ảnh: tư liệu
Duyên văn nghệ
Tuy lời thơ có vẻ... cổ phong (vốn là chuẩn mực vào thời đó) nhưng vẫn toát lên một nỗi buồn man mác. Bố cục bài thơ cũng rất “chắc tay”, hồn thơ tinh tế. Tập thơ vừa in xong tại nhà in Sống Chung trên đường Trần Hưng Đạo thì tình cờ Huyền Chi gặp nhạc sĩ Phạm Duy khi ông đến thăm bà Đào (chủ nhà in). Cô ký tặng nhạc sĩ tập thơ Cởi mở. Cũng nghĩ là chút duyên văn nghệ thế thôi, bởi đó là lần gặp gỡ duy nhất giữa hai người. Vậy mà người được tặng tập thơ đã chọn một bài thơ lục bát rất... truyền thống trong tập thơ ấy để phổ thành ca khúc. Điều đáng nói là nhạc sĩ Phạm Duy đã trổ tài “phù thủy” khiến trong ca khúc phổ thơ của ông, khó ai tìm thấy bóng dáng của thể loại lục bát. Đã vậy, đoạn giữa được chuyển qua âm giai trưởng nghe vừa xa vắng, vừa rạo rực mênh mang: “Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi. Đời nhịp sầu lỡ bước, Bước hoang mang rồi. Quay lại hướng làng, Đà Giang lệ ướt nồng. Mẹ già ngồi im bóng. Mái tuyết sương mong con bạc lòng...”.
Trong quyển Hồi ký Phạm Duy (tập 3, ấn bản 2008), tác giả viết: “Gần hai năm đã trôi qua kể từ khi tôi bỏ vùng quê vào Hà Nội, rời miền Bắc vào miền Nam, lo ổn định nơi ăn chốn ở và thu xếp công kia việc nọ ở Sài Gòn... Vào thời điểm này (trước cuộc di cư 1954), Huyền Chi, một cô em bán vải ở chợ Bến Thành đưa cho tôi phổ nhạc bài thơ nhan đề Thuyền viễn xứ. Bài thơ này nói lên tâm trạng một người Bắc Việt phải rời bỏ bến Đà Giang để vào sinh sống tại miền Nam. Phổ nhạc xong bài thơ nhớ miền viễn xứ, trong tôi lại nổi dậy sự viễn mơ của bài Bên cầu biên giới năm xưa, tôi bèn soạn bài Viễn du...”.
Huyền Chi lập gia đình với giáo sư Trần Phụng Tường vào năm 1954, và theo chồng ra Phan Thiết, nơi ông đang dạy Pháp văn ở Trường trung học Phan Bội Châu. Ở đây bà mở hiệu sách Bút Hoa và dạy Anh văn.
Nguyễn Phước Thị Liên, một cựu học sinh của Trường trung học Phan Bội Châu, đã “vẽ lại” chân dung của Huyền Chi như sau: “Huyền Chi là một phụ nữ đẹp, tài sắc vẹn toàn. Cô có nước da trắng khỏe, dáng người cao, gương mặt tươi, miệng cười hiền hậu dễ mến, tà áo dài màu thiên thanh đài các trong những chiều lộng gió, khi thầy cô sánh vai giữa thành phố Phan Thiết, đã làm xao xuyến bao tâm hồn nữ sinh lúc bấy giờ...” (Kiến Thức Ngày Nay số 768 tháng 12.2011).
Sau 1975, gia đình bà Huyền Chi chuyển vào Sài Gòn. Bà hiện vẫn còn sống tại đây, còn chồng bà - ông Trần Phụng Tường mất năm 2010. Trong 7 người con của hai ông bà có 4 người hiện ở Việt Nam, 3 người ở nước ngoài. Chắc chắn những người con ở xa quê này cũng sẽ có tâm trạng như mẹ của mình vào hơn nửa thế kỷ trước, khi: “Chiều nay gửi tới quê xưa. Biết là bao thương nhớ cho vừa. Trời cao chìm rơi xuống đời. Biết là bao sầu trên xứ người. Mịt mờ sương khói lên hương. Lũ thùy dương rủ bóng ven sông. Chiều nay trên bến muôn phương. Có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường...” (Thuyền viễn xứ).