20 tháng 02, 2012 20:03 Lý Hữu Phước viết:
Ðêm 07-07-1885, Tôn Thất Thuyết (1835-1913) ra lịnh tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá và Tòa Khâm Sứ. Cuộc tấn công thất bại và kinh thành Huế bị thất thủ chỉ trong vài giờ. Tôn Thất Thuyết thu tàn quân và đón vua Hàm Nghi (08-1884 - 07-1885) và cả triều thần về Quảng Trị, rồi Tân Sở và lẫn tránh trong dãy Trường Sơn. Trên đường bôn ba để lập chiến khu, người ta có nghe câu:
"Lần theo dấu thỏ non đoài,
Miễn phò đặng chúa, dám nài chi công."
Tháng 9-1885, Chánh Mông được người Pháp đưa lên làm vua lấy hiệu là Ðồng Khánh (1885-1888). Hai chữ Ðồng Khánh có nghĩa là cùng vui: cả Nam triều và Pháp cùng vui dưới đời vua này. Trong lúc đó, vua Hàm Nghi xuất bôn, lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp. Phong trào này được nhân dân nam bắc hưởng ứng nhiệt liệt, nhất là hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tỉnh:
"Gẫm xem thế sự thêm rầu,
Ở giữa Ðồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi."
Và ca dao còn có câu:
"Một nhà hai chủ không hòa,
Hai vua một nước, ắt là không yên."
Ðây là giai đoạn rối ren nhất của lịch sử. Hết chuyện “ba vua bốn tháng”, lại đến chuyện “hai vua một nước”, rồi cuối cùng là “ba vua một nhà” qua hai câu:
"Một nhà sinh đặng ba vua,
Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài."
Nguyên vua Tự Ðức không có con, lấy cháu làm con nuôi. Dục Ðức là con của Thụy (Thoại) Thái Vương là em của vua Tự Ðức. Kiến Phúc, Hàm Nghi và Ðồng Khánh là con của Kiên Thái Vương cũng là em vua Tự Ðức. Một nhà sinh đặng ba vua chính là nhà Kiên Thái Vương. Vua còn là Ðồng Khánh, vua mất là Kiến Phúc, vua thua chạy dài là Hàm Nghi. Vua Hàm Nghi bị bắt vào ngày 30-10-1888 và bị đày sang Algérie (Phi Châu) ngày 13-01-1889...