14 tháng 12, 2011 04:09 Lý Hữu Phước viết:
Chào Giáo Nguyên và các bạn,
Thấy hai bạn Bảo và Nguyên ở vào thời điểm mid-life crisis, bắc thang lên hỏi ông Trời và kêu Trời ầm ỉ, làm tôi cảm thấy tủi phận cho số nam nhi. Nhưng có lẽ “sợ vợ mới anh hùng” vì có người “thờ bà” than thở với Trời mới biết ra Ông Trời cũng cùng chung số phận:
“Đời con khổ lắm Trời ơi!
Vợ nhà chửi mắng tơi bời triền miên”
Ông Trời e lệ cười duyên:
“Vợ ai nấy sợ, không riêng gì mày.”
(LHP)
Xin được trích một đoạn trong bài bàn về cải lương vọng cổ để chia sẻ tinh hoa của cổ nhân về chuyện “vợ ai nấy sợ” và để cho các bạn đọc mà yên lòng bước tới (còn Cụ M lúc này chỉ chống nạng lết tới vì mới giải phẩu xong).
Thân mến,
Phước
oOo
“…. Từ thập niên 60 đến năm 1975 có nhiều chuyển biến đáng kể: chiến trường leo thang, cuộc sống đô thị phồn hoa và sự phát triển mạnh mẽ của các bài vọng cổ hài hước. Trong bài Vợ tôi tôi sợ, soạn giả Viễn Châu qua ca sĩ Văn Hường giải thích:
“Có câu trị quốc tề gia,
Phu phụ thuận hòa (thì) gia đạo mới yên.
Tơ hồng, nguyệt lão se duyên,
Kẻ được vợ hiền, còn người rinh con vợ dữ”.
Bài hát bắt đầu với điệu tân nhạc (tân cổ giao duyên) nhại theo điệu của bài “Never on Sunday”, nhạc pop tây phương đương thời vào bài vọng cổ, khiến người nghe thích thú: “Buồn thay vì tôi là thân nam nhi, thân mày râu, thân mày râu, nhưng mà không có quyền trong nhà. Vì thương vợ tôi nên không đôi co, không rầy la, khi cùng nhau, canh không ngon với cơm hổng lành. Bà con gần xa họ không thương tôi, nên cười chê, cho rằng tôi, cho rằng tôi bất tài vô phần. Nào ai hay đâu, thương tôi vợ tôi, thương cành hoa, thương đời hoa, ai nỡ đâu thẳng tay dập vùi.”
Và tiếp tục bằng câu vọng cổ: “Hỡi những bậc nam tử mi tu, hỡi các đấng trượng phu từ thanh niên râu chi ư mấy cụ già lão nhược, hãy đứng lên chung lưng đấu cật, mà cùng nhau sợ vợ cho vui cửa vui ... nhà. Bà con lối xóm họ điệu thì họ kêu mình thương vợ, còn họ ghét thì họ gọi là thờ bà”.