# 5549
11 tháng 02, 2013 05:00 Dũng viết
Thầy năm nay trên 80, đã tu khoảng 7 năm tại Đại Chủng Viện khi còn nhỏ. Qua những trao đổi lâu nay với thầy, tôi có cảm tưởng là thầy nguyên tắc, hơi ngây thơ, hơi cứng ... vì sống trong thế giới hơi cách biệt (giống bố tôi, ông là một sĩ quan chuyên nghiệp từ Đà Lạt, nên dù có học thêm Cử Nhân Luật và thơ, văn, đàn địch, gái gú ...– vì có quyền là có mỹ nhân bao quanh, tìm tới, ông vẫn là người không phải cuả cuộc đời thường; sống có lý tưởng, có nguyên tắc, hơi ngây thơ, nhiều lúc rất vụng về khi phải ứng xử với dân civil). Những chuyện thầy kể trong bữa ăn mở ra một thầy Trần Đạo mới, một ông thầy mà năm trên 10 tuổi đi tu trả lời với bề trên là “3 ngày tết con nhớ bố, con nhớ mẹ”. Một ông thầy mà khi còn nhỏ đi tu, cách đây gần 70 năm, đã phản kháng là “tại sao hôm sau đi rước lễ thì từ nửa đêm hôm trước đã cấm uống nước?”, “vô lý, phản khoa học, hại sức khoẻ”, đã phản kháng “tại sao một ông cố đạo Tây khiêm tốn dễ thương, chỉ vì là người Tây nên khi tới giảng là phải có 16 người khiêng kiệu? Tâm lý sợ Tây, mình làm cho ông ấy hư đi! tại sao ông này lại ngồi riêng một bàn cao hơn, trong khi bề trên của mình lại ngồi chỗ thấp hơn, trong khi ông cũng như mình, đều chịu 7 chức thánh?...”. Phước (tới sau) lúc lắc, khà khà “thầy quậy”, “thầy quậy”.
Khi câu chuyện lan man dẫn tới vụ đồng tình luyến ái thì tôi nghĩ là thầy có thể làm “Speaker of the House” cho họ (xin báo trước là tôi thuật laị không chính xác vì chỉ theo trí nhớ, thầy nói hay hơn, hùng hồn hơn, tình cảm hơn, đầy đủ hơn, và tôi không thể thuật lại đươc như vậy, có phần tôi có thể do lú lẫn mà trộn chung với ký ức khác; nên có sơ suất có thể dẫn tới hiểu lầm là ngoài ý muốn, và chữ nghĩa cũng là của tôi vì được hấp thụ và tiêu hóa rồi diễn dịch lại).
Thầy nói : ai chọn được ai là cha, mẹ của mình? Và có rất nhiều cái khác mình không chọn được: giới tính, thành phần xã hội, khuynh huớng tính dục v.v…. Có nhiều điều mình còn chưa biết , không thể phán đoán theo quán tính. Nhiều quan niệm tội lỗi xưa rồi. Mình chống, lên án nhưng nếu con mình, cháu mình đồng tính luyến aí thì mình làm cái gì? Bỏ nó à? giết nó đi à? Đừng nói tụi nó đồi trụy, có những đứa có giáo dục, có ý thức, có nghề nghiệp, sống đàng hoàng … nên không thể có đánh giá hời hợt là tụi nó xấu xa, này nọ… “ , “Tôi phát biểu như vậy vì tôi nghĩ là tôi đúng, nhưng cái đúng này không nhất thiết là cái đúng của người khác, và 100, 200 năm sau hay là một thời gian khác tôi có thể sai, rất sai… “
Thầy bàn về 10 điều răn: tôi nghĩ có thể tóm lại thành 2 điều: Kính Đức Chuá Trời trên hết mọi sự, và yêu kẻ khác như yêu mình. Và tôi hiểu cách nhìn của thầy về vụ đồng tính là thể hiện tình yêu thương, lòng thương xót cảm thông người khác, không cực đoan, sơ cứng, giáo điều, thường trực nhìn lại vấn đề.
Cái làm tôi “chịu” thầy là “thái độ trí thức”. Có nhiều định nghiã về trí thức, và đây không phải là bài luận văn về “trí thức”, nên tôi chỉ nêu vài điểm nổi bật. Trí thức là quan tâm, suy nghĩ , đặt vấn đề và có thái độ với vấn đề. Gần đây Bernard Kouchner (http://en.wikipedia.org/wiki/Bernard_Kouchner), một bác sĩ trí thức dấn thân của Pháp đi xa hơn “phải làm chứng (témoigner), phải biết căm phẫn, và phải nói ra”. Bye-bye trí thức tháp ngà.
Thế hệ sau luôn biết nhiều hơn thế hệ trước, con cháu ta rồi sẽ hơn ta. Đó là nói về kiến thức, thế nhưng khi nghe thầy nói rất có lửa, có lý, có tình, không hẳn là có người sẽ đồng ý với thầy, nhưng tôi vẫn thầy hôm nay, 2013, thầy vẫn là thầy của tôi về “thái độ trí thức” . Chịu quá tôi nói “thầy siêu quậy”, “thầy xứng đáng vẫn là thầy của em”.
Bữa ăn tết ở nhà thầy là một bữa đáng nhớ, thầy không dạy tôi toán nữa, nhưng thầy nêu một bài học về tự do phát biểu, không sợ hố, không sợ đụng chạm, nhưng không khư khư là mình đúng, tự do trong suy nghĩ, một thái độ trí thức.